Nên quy định tỷ lệ giảm giá thành là một yếu tố trong chỉ định thầu

Chính trị - Ngày đăng : 15:06, 30/10/2013

(HNMO) - Chiều 30/10, thảo luận tại hội trường về một số ý kiến còn khác nhau của dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi), các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo các đại biểu, dự luật đã tiếp thu tương đối nhiều các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và cơ quan chuyên môn, các chuyên gia theo hướng có chọn lọc một cách hợp lý tích cực. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa, giải quyết triệt để những tồn tại vướng mắc hiện nay, hoạt động đấu thầu vẫn cần phải xem xét thêm nhiều yếu tố ở khía cạnh quan điểm xây dựng luật cũng như kỹ thuật soạn thảo.

Đi vào các nội dung cụ thể, các đại biểu tập trung cho ý kiến về 4 vấn đề lớn: phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, trong đó có quy định về tổ chức đấu thầu với các dự án có hạn mức vốn của Nhà nước 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng; việc chỉ định thầu; mua thuốc cho các cơ sở y tế; hợp đồng với nhà thầu, nhà đầu tư.

Đáng chú ý, về chỉ định thầu, hạn mức chỉ định thầu, theo đại biểu Lê Công Đỉnh - Long An, quy định như dự thảo luật sẽ rất khó thực hiện, vì hiện nay gói thầu do biến động giá và chi phí cao, các công trình đơn giản sửa chữa nhỏ cũng đã có giá trị trên 1 tỷ đồng.

“Quy định chỉ định xây lắp nhỏ hơn 1 tỷ đồng là rất khó áp dụng, đồng thời nếu quy định như dự thảo thì số lượng gói thầu đơn giản, giá trị nhỏ phải thực hiện đấu thầu không qua hình thức chỉ định thầu sẽ  rất lớn, dẫn đến mất nhiều thời gian và chi phí trong việc tổ chức đấu thầu, hơn nữa còn gây áp lực lớn cho chủ đầu tư, cơ quan thẩm định quản lý đấu thầu”, đại biểu Đỉnh nói.



Theo đại biểu Đỉnh, thực tế hạn mức chỉ định thầu theo quy định hiện hành rất phù hợp với tình hình triển khai công tác đấu thầu ở địa phương trong thời gian qua. Do đó, dự thảo lần này nên giữ quy định hiện hành, tức là hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu xây lắp, gói thầu lựa chọn tổng thầu là 5 tỷ đồng, đối với gói thầu tư vấn là 3 tỷ đồng, đối với gói thầu mua sắp hàng hóa là 2 tỷ đồng. Đồng thời, đưa các quy định về tỷ lệ giảm giá thành là một yếu tố cho việc chỉ định thầu nhằm tăng tính hiệu quả trong chỉ định thầu. Vấn đề tiết kiệm tỷ lệ giảm giá cần thiết được xem như một tiêu chí quan trọng trong chỉ định thầu bởi thực tế, ở địa phương, số lượng gói thầu chỉ định thầu là rất nhiều, chiếm trên 7%.

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh - Phú Thọ cho rằng, ngoài các tiêu chuẩn liên quan đến nội dung, tính chất và quy mô dự án, cần phải quy định thêm tiêu chuẩn về thời gian thực hiện gói thầu, vì trong thực tế cho thấy nhiều trường hợp chỉ định thầu theo vận dụng trường hợp bất khả kháng là khẩn cấp và cấp bách nhưng lại kéo dài thời gian thi công trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, nên bổ sung thêm trường hợp chỉ định thầu đối với các gói cung cấp dịch vụ hàng hóa do nhà nước chỉ định theo đặt hàng, bao gồm cả nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học, cung cấp vũ khí, khí tài và xây dựng các công trình có yêu cầu đặc biệt quan trọng về đảm bảo an toàn và an ninh quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà - TP Hà Nội đề nghị không áp dụng chỉ định thầu đối với các dự án ODA có vốn đối ứng của Việt Nam, có thể từ 11% trở lên. Lý do chủ yếu được đại biểu Hà đưa ra là Việt Nam đã coi ODA là vốn nhà nước; các dự án ODA thường có quy mô lớn và trong thời gian tới, cùng với quá trình phát triển kinh tế, điều kiện cấp ODA sẽ đậm dần tính chất thương mại, trong đó có yêu cầu tỷ lệ vốn đối ứng của Việt Nam ngày càng cao hơn, do đó, khả năng vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án ODA sẽ vượt mức 30% của dự án trên 500 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, thời gian qua, toàn bộ điều kiện sử dụng mua sắm và thực hiện đầu tư từ nguồn ODA với mức việc trợ không hoàn lại thường dưới 10% tổng mức ODA cam kết và đều do nhà cung cấp quyết định khiến chi phí tăng hơn so với tổ chức đấu thầu, gây bất lợi cho Việt Nam.

“Việc quy định tổ chức đấu thầu triển khai các dự án ODA có mức sàn tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án là cần thiết cả về mặt kinh tế lẫn pháp lý, khẳng định nhận thức và yêu cầu mới của Việt Nam trong bối cảnh mới đối với các nguồn vốn đầu tư xã hội mà ODA là một bộ phận hợp thành”, đại biểu Hà nói.

Dưới góc độ khác, đại biểu Lê Đắc Lâm - Bình Thuận cho rằng, trong những năm qua, việc thực hiện các dự án luôn có việc trượt giá vật liệu, nhân công với tỷ lệ nhất định. Nếu quy định cụ thể hạn mức được chỉ định thầu trong luật sẽ dễ xảy ra tình trạng, khoảng vài năm sau, hạn mức này không còn phù hợp vì trượt giá. Vì vậy, Quốc hội nên giao Chính phủ quy định hạn mức phù hợp cho từng giai đoạn.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Quảng Trị cũng đề nghị, cần phải xem xét lại toàn bộ quy định về việc bảo đảm tính cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu của dự thảo luật. Đặc biệt, việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng để phù hợp với thực tế, hợp lý nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu chính của việc sửa đổi luật lần này là tính công khai, minh bạch và phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu.

“Cần hạn chế hơn nữa các trường hợp được áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, thậm chí xóa bỏ quy định này bởi thực tế, các dự án có yêu cầu cao về kỹ thuật vẫn có thể áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi. Ngoài ra, việc áp dụng hình thức này càng bị bó hẹp thì khả năng bảo đảm tính khách quan, tính cạnh tranh và hạn chế tham nhũng càng lớn. Chúng ta cũng không nên áp dụng hình thức chỉ định thầu để bảo đảm tính khách quan, minh bạch và phòng, chống tham nhũng một cách triệt để. Nếu có áp dụng, chỉ nên áp dụng đối với các trường hợp cấp bách cần khắc phục ngay hoặc bí mật an ninh quốc gia”, đại biểu Đồng nói.

Ngoài ra, theo đại biểu Đồng, dự luật cần có quy định rõ ràng về thủ tục và khung pháp lý kiểm soát để làm cơ sở yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận một gói thầu được coi là thuộc vào các trường hợp được chỉ định thầu, nếu không sẽ xảy ra tình trạng chủ đầu tư kiến nghị chỉ định thầu tràn lan, thiếu nhất quán về điều kiện được áp dụng chỉ định thầu và không phân định rõ được trách nhiệm.

Vân An