Gian nan tính chuyện thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:20, 30/10/2013

(HNM) - Chưa bao giờ ngành bảo hiểm xã hội Hà Nội lại rơi vào khủng hoảng như hiện nay khi phải tiến hành hàng loạt biện pháp

Người lao động đến đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội.


Nơi nào cũng có “nợ khó đòi”

Tiếp chúng tôi trong căn phòng bộn bề hồ sơ khởi kiện, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc BHXH huyện Từ Liêm, than phiền: "Để tòa chấp thuận đơn kiện đã khó, kết thúc xét xử buộc doanh nghiệp phải thi hành án đóng BHXH, trả nợ cho người lao động còn khó gấp vạn lần". Thậm chí, theo bà Bình, đã có những doanh nghiệp ra tòa hàng chục lần mới giải quyết xong, đến khi thi hành án thì cơ quan thi hành án trả lại hồ sơ vì... đơn vị, doanh nghiệp này không còn khả năng.

Theo thống kê của BHXH huyện Từ Liêm, tính đến hết tháng 9-2013, trên địa bàn có trên 700 doanh nghiệp, đơn vị chưa thanh toán dứt điểm tiền thiếu đóng BHXH cho người lao động. Tuy nhiên, theo bà Bình đây không phải con số đáng lo ngại mà sự quan tâm chính là ở những doanh nghiệp, đơn vị có thời gian nợ lâu, nợ nhiều. Lấy dẫn chứng, bà Bình đưa cho chúng tôi xem mấy bộ hồ sơ về những vụ kiện nợ đọng BHXH kéo dài 2-3 năm mà không thể thi hành án. Điển hình là vụ BHXH huyện Từ Liêm kiện một số đơn vị thành viên thuộc Công ty Cavico Việt Nam. Theo bản án số 06/2012/LĐST ngày 24-10-2012, công ty bị khởi kiện là Cavico Việt Nam khai thác mỏ và xây dựng, có địa chỉ tại phòng 507, tòa nhà CT3-2 khu đô thị Mễ Trì Hạ, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm. BHXH huyện Từ Liêm cho rằng, căn cứ theo Điều 134 Luật BHXH thì Công ty cổ phần Cavico Việt Nam khai thác mỏ và xây dựng có mã số đóng BHXH TM10711 còn nợ lại tiền đóng bảo hiểm đối với BHXH huyện Từ Liêm tính đến ngày 30-11-2011, tương đương với thời gian chưa đóng bảo hiểm là 36 tháng. Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, BHXH huyện Từ Liêm buộc phải khởi kiện, đề nghị đơn vị này đóng bảo hiểm (bao gồm BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động). Sau khi có đơn kiện, mặc dù tòa đã nhiều lần triệu tập nhưng đơn vị này thường xuyên vắng mặt. Theo TAND huyện Từ Liêm, việc BHXH huyện Từ Liêm khởi kiện Công ty Cavico Việt Nam là đúng và nằm trong án "Tranh chấp đòi tiền BHXH giữa cơ quan BHXH đối với người sử dụng lao động. Đây là hành vi coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người lao động". Với nhận định trên, TAND huyện Từ Liêm đã xử, buộc Công ty Cavico Việt Nam khai thác mỏ và xây dựng phải trả số tiền nợ bảo hiểm còn thiếu tính đến ngày 30-11-2011 là 4,370 tỷ đồng.

Thắng kiện, BHXH huyện Từ Liêm đã có văn bản đề nghị Chi cục Thi hành án huyện Từ Liêm có biện pháp bảo đảm thi hành án. Chờ một thời gian dài, BHXH huyện Từ Liêm nhận được quyết định trả lại đơn thi hành án của Chi cục Thi hành án với lý do: "Đơn vị này không còn tiền trong tài khoản".

Tương tự, một trường hợp khác, theo biên bản đối chiếu đến ngày 31-10-2011, Công ty cổ phần Năng lượng, có địa chỉ tại tầng 7, tòa nhà Sông Đà, xã Mỹ Đình (Từ Liêm), đã nợ người lao động bao gồm tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền ngót 3 tỷ đồng. Đây là số tiền mà Công ty cổ phần Năng lượng đã chậm, thiếu của người lao động từ tháng 9-2008. Hơn 36 tháng đơn vị không đóng bảo hiểm cho người lao động, BHXH huyện Từ Liêm buộc phải kiện doanh nghiệp này ra tòa. Tại phiên tòa ngày 10-4-2012, TAND huyện Từ Liêm cũng đã tuyên, buộc Công ty cổ phần Năng lượng phải chuyển trả số tiền trên cho BHXH để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động. Bản án có hiệu lực, thế nhưng đã hơn một năm trôi qua người lao động vẫn chưa được chốt sổ, chưa được thanh toán các khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp thai sản, ốm đau... theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, đại diện BHXH Hà Nội cũng thừa nhận nhiều cấp tòa án và đơn vị thi hành án không mặn mà hoặc tìm cách trì hoãn, thậm chí né tránh những vụ kiện để bảo vệ người lao động. Điển hình như việc BHXH Hà Nội đã có đơn khởi kiện đối với Công ty Lisohaka tại huyện Thạch Thất khi đơn vị này nợ 2,6 tỷ đồng (tính đến hết tháng 8-2013). Tuy nhiên, đơn kiện được gửi đi từ tháng 8-2012 nhưng đến nay TAND huyện Thạch Thất vẫn chưa đưa ra xét xử. Thậm chí, khi phóng viên Hànộimới tìm đến trụ sở tòa án, trình thẻ nhà báo đề nghị được làm việc, trao đổi thông tin thì ông Trần Việt Khoa, Chánh án TAND huyện Thạch Thất viện đủ mọi lý do để từ chối trả lời.

Hầu hết không có khả năng thi hành án

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tính đến 30-9-2013, tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp, đơn vị trong cả nước đã lên đến gần 10.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2012. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, tình trạng nợ BHXH, BHYT ngày một gia tăng với những "biến thể" khó xác định. Hệ lụy của việc các doanh nghiệp nợ đọng BHXH là hàng trăm, hàng nghìn người lao động không được hưởng quyền lợi chính đáng khi nghỉ hưu, mất sức, khám chữa bệnh BHYT, BH thất nghiệp. Mặc dù hiện nay, phần đông người lao động đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp BHXH thông qua lương hằng tháng. Thế nhưng các doanh nghiệp lại lạm dụng tiền đóng bảo hiểm của người lao động để đầu tư cho việc khác dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài.

Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Vinh Quang, Phó ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động Hà Nội cho rằng, suốt một thời gian dài, việc chiếm dụng quỹ BHXH dễ hơn nhiều so với việc làm các thủ tục để vay ngân hàng, thậm chí không cần giấy tờ, không cần thế chấp, không thẩm định... nên các doanh nghiệp đã tận dụng nguồn vốn này để đưa vào sản xuất, kinh doanh. Cũng bởi theo quy định, khi doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên sẽ phải trả lãi bằng với lãi suất đầu tư của BHXH Việt Nam với mức khoảng 11,8%/năm. So với vay ngân hàng, thì mức lãi này vẫn còn "dễ chịu" hơn nhiều.

Bảo đảm công tác thu hồi nợ, ngày 25-7-2013 BHXH Việt Nam cũng đã có công văn số 2871/BHXH-BT về việc "triển khai các biện pháp xử lý nợ BHXH, BHYT" theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2665/VPCP-KHTH ngày 4-4-2013. Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định về quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN, kịp thời đối chiếu, thông báo tình hình đóng, chưa đóng và chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với các đơn vị sử dụng lao động.

Công tác chỉ đạo là vậy, tuy nhiên theo BHXH Hà Nội, tính từ năm 2010 đến nay, cơ quan này đã khởi kiện 152 doanh nghiệp với số nợ đọng hơn 187 tỷ đồng. Qua 53 phiên xét xử thắng kiện, cơ quan này cũng chỉ thu hồi được gần 43,2 tỷ đồng, khoảng 23% số tiền phải thu hồi. Số còn lại hầu hết không có khả năng thi hành án, cơ quan thi hành án trả lại phiếu yêu cầu thi hành án. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, với cơ chế thu nợ như hiện nay thì rất khó để doanh nghiệp tự nguyện trả nợ.

Ngọc Hải - Vũ Dung