Bài 2: Mới chỉ là giải pháp tình thế

Xã hội - Ngày đăng : 06:03, 30/10/2013

(HNM) - Theo khảo sát, đối tượng có nhu cầu học nghề của thành phố Hà Nội chủ yếu là lao động thuộc các huyện ngoại thành. Hầu hết ngành nghề dạy cho đối tượng này chủ yếu thuộc diện

Điều này đi ngược chủ trương về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hơn thế, những ngành nghề các cơ sở đang đào tạo hiện nay khá "vênh" so với nhu cầu thực tế, khiến học viên khó tìm được việc làm sau khi ra trường, dẫn tới làm giảm sút nhu cầu học nghề của người lao động. Vì sao có thực trạng này và vai trò của "nhạc trưởng" là cơ quan chức năng trong công tác đào tạo nghề ở đâu?

Giờ học thực hành nấu ăn tại Trường Trung cấp Kinh tế - Du lịch Hoa Sữa. Ảnh: Bảo Lâm



"Đem con bỏ chợ"

Theo quy định, các cơ quan, bộ, ngành phụ trách lĩnh vực dạy nghề phải có một bộ phận kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở dạy nghề. Nhưng thực tế hiện nay, bộ phận này chưa phát huy tốt vai trò, dẫn đến tình trạng "đem con bỏ chợ". Điều đáng nói, chưa có chế tài quy định trách nhiệm của người làm công tác kiểm tra, giám sát, dẫn đến thực trạng không ít trường, trung tâm dạy nghề hoạt động không theo quy chuẩn, nặng tính hình thức. Thậm chí, nhiều trường tự "bơi" trong khó khăn nên "nhắm mắt" bỏ qua vấn đề về chất lượng dạy và học.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội, khẳng định: Hiện nay, do thiếu cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát, dẫn đến hiện tượng các trường dạy nghề chính thống rơi vào tình trạng ế ẩm, chật vật đủ đường, trong khi đó các cơ sở dạy nghề tư nhân lại đắt hàng. Nguyên nhân là các cơ sở dạy nghề chính thống phải theo bài bản, quy chuẩn nên nhiều khi bị đóng khung, không phù hợp nhu cầu của người học. Trong khi đó, cơ sở tư nhân đa dạng môn học, thời gian ngắn hạn, thậm chí không dạy cũng cấp bằng, tạo cho người học sự thuận tiện. "Đó chính là những lỗ hổng về công tác quản lý" - Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh phân tích lý do dẫn đến môn học nghiệp vụ khách sạn du lịch trước đây là thế mạnh của trung tâm, nhưng vài năm nay rơi vào tình trạng lớp trắng.

Việc quản lý lỏng lẻo, thiếu cơ chế giám sát của cơ quan chức năng đối với các trường, trung tâm dạy nghề không những dẫn đến hệ quả mỗi trường một phách, hiệu quả đào tạo kém chất lượng, mà còn tác động trực tiếp đến người được thụ hưởng chính sách đào tạo nghề, nhất là ở những vùng nông thôn, ngoại thành bị thu hồi đất. Học viên Nguyễn Văn Xuân, đang theo học lớp nghề cơ khí tại Trung tâm Dạy nghề huyện Thạch Thất, bức xúc: Mang tiếng là học nghề cơ khí nhưng trong quá trình học thực hành được rất ít vì máy móc vừa thiếu lại vừa cũ, nên việc học như "cưỡi ngựa xem hoa". Mang lời tâm sự của người trong cuộc đến hỏi những người có liên quan trong lĩnh vực này được biết, hiện nay nhiều trường, trung tâm dạy nghề chỉ có cái "vỏ" tuy xây xong nhiều năm nhưng không đầu tư thiết bị, công nghệ, máy móc cho học sinh thực tập, nên chỉ có thể đào tạo những ngành nghề giản đơn…

Rõ ràng, kêu gọi người lao động đi học nghề nhưng không giúp họ tạo việc làm ổn định, thậm chí đào tạo không đến nơi đến chốn, "mang con bỏ chợ" như tình trạng hiện nay ở hầu hết quận, huyện ngày càng đẩy người có nhu cầu học nghề ra xa hơn với chủ trương học nghề. Theo khảo sát của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội về tình hình sử dụng lao động, chỉ có 40% số doanh nghiệp hiện nay hài lòng về nguồn lao động đã qua đào tạo, còn lại chưa an tâm vì lượng lao động quá yếu về chuyên môn, thiếu kiến thức trong sản xuất lại không có ý định gắn bó lâu dài với công việc.

Loanh quanh gỡ vướng

Lãnh đạo một trung tâm dạy nghề trên địa bàn Hà Nội phân trần: Đầu tư một máy cơ khí cho học viên thực tập tốn hàng trăm triệu đồng, thậm chí có loại máy trị giá hàng tỷ đồng. Trong khi đó, kinh phí hằng năm được cấp để khắc phục những mặt yếu kém còn khó nên chưa thể nâng cao kỹ năng thực hành và mở rộng quy mô đào tạo hay phát triển ngành nghề mới. Để tránh tình trạng học "chay", nhiều trung tâm, nhà trường đã "bắt tay" liên kết với nhau trong giờ thực hành trên máy. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại đến đâu thì chưa thể khẳng định.

Thực tế cho thấy, trừ tỷ lệ nhỏ các trường CĐ, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp được đầu tư bài bản, tạo môi trường học nghề tốt, học viên được thực hành nhiều, chất lượng đào tạo nghề bảo đảm, còn lại số đông trường nghề, trung tâm dạy nghề đầu tư xây dựng tràn lan, trông hoành tráng nhưng chỉ có cái "vỏ", còn ruột thì rỗng tuếch. Nguyên nhân là công tác quản lý chồng chéo đã tạo hệ thống cơ sở dạy nghề yếu, không đủ cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ kỹ thuật cao. Tuy nhiên, vì "miếng bánh" trong chính sách đầu tư của thành phố, các trường, trung tâm dạy nghề xoay xở đủ đường để duy trì mô hình này. Cụ thể, thiếu học sinh, không tuyển được đủ chỉ tiêu, trường vẫn phải "chạy" bằng mọi cách để được cấp kinh phí hoạt động. Tất cả những việc này dẫn đến tình trạng thí sinh ảo, chất lượng dạy và học cũng ảo.

Không chỉ với các cơ sở, trung tâm dạy nghề, các hội, đoàn thể cũng gặp không ít khó khăn trong công tác này. Bà Nguyễn Thị Thắng Chi hội trưởng phụ nữ thôn Nội, xã Phú Kim (Thạch Thất), chia sẻ: "Hội phụ nữ xã đã từng nhân cấy nghề mây tre đan và làm mành xuất khẩu cho khoảng 60 hội viên, ban đầu mọi người hăng hái đi học, nhưng sau khi học xong nhiều người không tìm được việc làm. Một số người mạnh dạn mở cơ sở sản xuất thì "đầu ra" bế tắc nên sau này, không ai còn mặn mà với việc học nghề truyền thống". Còn tại Đông Anh, bà Nguyễn Thu Trang, cán bộ phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện đã thử nhân cấy một số nghề truyền thống cho nhân dân ở các thôn, xã chưa có nghề, nhưng hiệu quả không cao bởi người lao động quan niệm đi học nghề sẽ không làm ra tiền hằng ngày và chưa chắc học xong đã sống được với nghề nên rất ít người tham gia.

Một khó khăn nữa đang tồn tại trong các trường nghề hiện nay là sự bất cập về đội ngũ giáo viên dạy nghề. Hầu hết các trường đều cho rằng, trở ngại lớn nhất là việc tuyển dụng giáo viên bởi yêu cầu quá cao như có trình độ chuyên môn tương xứng; có nghiệp vụ sư phạm đúng chuẩn; có kỹ năng thực hành nghề phù hợp. Trong khi đó, chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với giáo viên dạy nghề chưa phù hợp. Gỡ vướng về vấn đề này, nhiều trường bắt tay trao đổi, hoặc "mượn" giáo viên của nhau… Song tất cả những cách làm này chỉ là giải pháp tình thế.

Kiều Oanh - Nguyên Hoa