Nhiều chương trình phòng chống tội phạm ngốn tiền nhưng hiệu quả chưa cao
Chính trị - Ngày đăng : 16:54, 29/10/2013
Cùng dự tại tổ Hà Nội có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Kim Tuyến cho rằng, những nỗ lực triển khai nghị quyết của Quốc hội đã đạt được kết quả, thể hiện qua sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những chương trình quốc gia, các nhóm giải pháp đồng bộ, toàn diện, hiệu lực quản lý nhà nước được tăng cường…
Đồng tình cao với các tồn tại trong các báo cáo của Chính phủ, đại biểu Tuyến đề nghị, công tác phòng chống tội phạm, tham nhũng là nội dung quan trọng, cần được Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn. Đồng thời, cần đổi mới cách thống kê, đánh giá cho đúng, chính xác tình hình tội phạm, nhất là về xử lý vi phạm hành chính; quan tâm chỉ đạo giải quyết những nguyên nhân sâu xa làm phát sinh tội phạm, nhất là các vấn đề về đạo đức lối sống; bịt kín các sơ hở trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự, đặc biệt là cơ chế thanh tra, kiểm tra, quản lý, củng cố lực lượng thanh tra; thực hiện các giải pháp để làm cho mọi công dân nêu cao ý thức trong phòng, chống tội phạm.
Đặc biệt, về phòng chống tham nhũng, theo đại biểu Tuyến, số liệu trong các báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh sát tình hình, cần có cơ chế, tiêu chí đánh giá đúng, từ đó mới xây dựng được giải pháp phù hợp.
“Chúng ta nên xem xét đánh giá lại các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, phải xem lại quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, xây dựng mô hình tổ chức của các cơ quan chuyên trách đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, đại biểu Tuyến nói.
Một buổi thảo luận tại tổ Hà Nội |
Đi sâu lý giải nhận định về công tác quản lý hành chính trật tự xã hội hiệu quả chưa cao, đại biểu Nguyễn Đức Chung cho biết, có một phần do khâu quản lý súng săn và thuốc nổ.
Trước năm 2005, chúng ta cho phép sử dụng súng săn 2 nòng, sau đó không cấp phép nữa nhưng những người dân đã được cấp phép trước đó vẫn tiếp tục được sở hữu súng. Ước tính, riêng địa bàn Hà Nội hiện có xấp xỉ khoảng hơn 1.700 khẩu.
“Theo tôi, Nhà nước nên bỏ tiền mua lại các khẩu súng này với giá thấp hoặc hỗ trợ tiền cho dân để thu hồi lại toàn bộ số súng này, góp phần phòng ngừa rủi ro và phạm tội”, đại biểu Chung nói.
Đại biểu Chung cũng cho biết thêm, thuốc nổ sử dụng trong các vụ án ở Hà Nội chủ yếu là thuốc nổ dùng trong các công trình phá đá, tội phạm có được do công tác quản lý của các cơ quan liên quan còn buông lỏng. Do vậy, phải có chế tài xử lý nặng với những người quản lý sử dụng vật liệu nổ để gây án.
Đánh giá rất cao nỗ lực của các ngành, các cấp trong thực hiện nghị quyết của QH về công tác tư pháp, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, việc ban hành NQ 37 với chỉ tiêu cụ thể đã có tác dụng lớn, tăng áp lực với các cơ quan thực thi pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng. Đây là vấn đề cần nghiêm túc đánh giá.
“Chúng ta đang có quá nhiều chương trình phòng chống tội phạm và ngốn nhiều tỷ đồng, nguồn lực con người. Vậy hiệu quả mang lại có đánh giá, tổng kết được không trong tình hình tội phạm năm sau tăng cao hơn năm trước?”, đại biểu Quyền nêu vấn đề.
Theo đại biểu Quyền, muốn tội phạm không gia tăng thì xử nghiêm, xử nặng chỉ là một biện pháp, cần các biện pháp tổng hợp, cần trách nhiệm trong quản lý nhà nước, mà quản lý nhà nước là hàng ngày, hàng giờ, hàng năm, không phải theo phong trào. Quản lý nhà nước phải chặt chẽ để khi xảy ra vụ việc có thể quy trách nhiệm luôn, chứ không phải chung chung, việc buông lỏng quản lý chính là thể hiện ở không rõ trách nhiệm khi xảy ra vụ việc.
“Tôi lấy ví dụ vụ thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác bệnh nhân, tôi không hiểu sao chúng ta lại khó trong xử lý trách nhiệm? Ở đây chính là trách nhiệm quản lý. Sở y tế Hà Nội thời gian qua đã làm gì, đã thanh tra, kiểm tra chưa? Không phải đợi đến khi vụ việc như ở Cát Tường xảy ra mới rà soát. Tôi đề nghị quy trách nhiệm cụ thể”, đại biểu Quyền nói.
Về phòng, chống tham nhũng, theo đại biểu Quyền, qua thực tế giám sát một số tỉnh, đơn vị, ông thấy các biện pháp phòng ngừa hiệu quả rất thấp.
“Dường như qua thanh tra không phát hiện ra vụ việc tham nhũng nào cả. Điều này nói lên công tác cán bộ của chúng ta đang xuôi chiều, không tạo ra phong trào “toàn dân tố giác tội phạm”. Chúng ta phải xem lại cơ chế phòng ngừa của chúng ta, quan trọng là phải công khai minh bạch tất cả các tiêu chí trong mọi lĩnh vực thật cụ thể… Chúng ta đang lạm dụng xử lý kỷ luật nội bộ, ít xử lý hình sự nên không nghiêm minh, làm lòng dân chưa yên”, đại biểu Quyền nói.
Chia sẻ với đại biểu Quyền, đại biểu Nguyễn Sơn cho rằng, công tác phòng, chống tội phạm chưa đạt yêu cầu đặt ra có một phần nguyên nhân từ nhận thức về đấu tranh phòng chống tội phạm của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, cán bộ thực thi công vụ không nghiêm túc, kể cả từ khâu phát hiện tham nhũng, điều tra, truy tố...
Đề cập đến cụm từ “bảo kê” được nhắc đến trong các báo cáo của lãnh đạo ngành về công tác phòng, chống tội phạm, tham nhũng, đại biểu Bùi Thị An cũng đề nghị phải làm rõ có hay không chuyện “bảo kê”, nếu có thì ở ngành nào, ai là người bảo kê, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đất đai, tư pháp.