Bê bối nghe lén của Mỹ lan rộng: Cơn bão ngoại giao
Thế giới - Ngày đăng : 06:42, 28/10/2013
Người Mỹ biểu tình tại Washington phản đối chương trình do thám của chính quyền nước này. |
Trước hành động được cho là "chơi không đẹp" của người bạn thân cận, Thủ tướng Đức A.Merkel tuyên bố đây là việc làm không thể chấp nhận được. Bà đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Barack Obama để bày tỏ quan ngại và yêu cầu sự giải thích thấu đáo, đồng thời triệu tập Đại sứ Mỹ John Emerson lên phản đối, điều mà theo báo chí chưa từng xảy ra kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù Tổng thống B.Obama ngay lập tức trấn an người bạn Đức là nước Mỹ "hiện nay không nghe lén cũng như sẽ không nghe lén" các cuộc đàm thoại của bà. Tuy nhiên một ngày sau đó, sự quả quyết này lại làm nổ ra một tranh luận nảy lửa là liệu người đứng đầu Chính phủ Đức có từng bị nghe lén trong quá khứ hay không. Rõ ràng, việc bà A.Merkel đưa ra phản ứng mạnh mẽ và trực tiếp tới người đứng đầu Nhà Trắng cho thấy, nhà lãnh đạo Đức có đủ cơ sở và bằng chứng về các hoạt động do thám của NSA nhằm vào cá nhân bà.
Có thể nói chưa khi nào Washington lại bị các nước đồng minh chỉ trích đồng loạt như thời điểm nhạy cảm này. Từ Brazil, Mexico, Anh, Pháp và mới đây nhất là Đức... đều lên tiếng phản đối chính sách theo dõi "bạn bè" của cơ quan mật vụ Mỹ. Thậm chí, vụ bê bối nghe lén đã phủ bóng lên Hội nghị Thượng đỉnh Châu Âu tại Bỉ cuối tuần qua khi báo The Guardian (Anh) đăng tải thông tin Mỹ đã nghe trộm điện thoại của ít nhất 35 nhà lãnh đạo nước ngoài. Nhiều đại biểu tham dự cảm thấy "vô cùng sốc" khi một đồng minh quyền lực mà họ luôn coi là bạn lại có thể giám sát để khai thác các cuộc trao đổi mang tính riêng tư. Phát biểu với các phóng viên ở Brussels, Thủ tướng Đức A.Merkel tuyên bố "Mỹ và Châu Âu đang phải đối mặt với thách thức". Các nhà lãnh đạo Lục địa già cũng cho rằng, một lời xin lỗi là chưa đủ mà cần phải có sự thay đổi lớn. Theo đó, hai bên sớm thiết lập một thỏa thuận khung về hoạt động do thám. Vì vậy, kết thúc hội nghị cấp cao này, lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu đã nhất trí thành lập "một mặt trận chung" nhằm chống lại chương trình do thám của Mỹ. Điều này một lần nữa cho thấy, vụ bê bối nghe lén đang gây ra cơn bão ngoại giao giữa Mỹ với các đồng minh, đặt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trước những thử thách lớn.
Dù có những lời giải thích hợp lý đến mức nào thì tiết lộ mới này vẫn khiến mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ với các đối tác Châu Âu không còn được suôn sẻ. Nói cách khác, hậu quả của cáo buộc nghe lén đe dọa rất nhiều đến những ưu tiên của Mỹ và EU. Trong đó có thể kể đến những nỗ lực chung trong cuộc chiến chống khủng bố hay đe dọa thỏa thuận thương mại tự do Mỹ - Liên minh Châu Âu có thể đạt được vào cuối năm nay. Sự việc như một cú đấm mạnh vào quá trình mở rộng thương mại giữa hai khối kinh tế lớn nhất thế giới. Chính quyền của Tổng thống B.Obama xem đây là một ưu tiên hàng đầu và ước tính có thể mang lại cho kinh tế Mỹ và EU thêm 180 tỷ USD trong 5 năm. Do đó, tuyên bố của Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz rằng "Đây là lúc chúng ta nên dừng lại và suy nghĩ kỹ về cách tiếp cận thỏa thuận thương mại tự do như thế nào" đã cho thấy sóng gió đang nổi lên mạnh mẽ hơn.
Không chỉ vấp phải sự bất bình của các đồng minh, hàng nghìn người trên khắp nước Mỹ cũng đã tập trung tại thủ đô Washington biểu tình phản đối chương trình do thám bí mật của cơ quan tình báo Mỹ. Mục đích của cuộc tuần hành là kêu gọi các nghị sĩ Quốc hội Mỹ thông qua dự luận ngăn chặn tình trạng do thám tràn lan của các cơ quan an ninh nước này.
Cho đến nay, bê bối nghe lén điện thoại của Mỹ đã mở rộng phạm vi sang nhiều quốc gia khác trên thế giới, từ Trung Đông, Mỹ La tinh tới các nước đồng minh thân tín tại Châu Âu. Hiện thật khó đoán vụ việc rồi sẽ đi đến đâu. Có điều chắc chắn là sự vụ đã khiến Mỹ "mất điểm" trong mắt bạn bè và gây ra mối ngờ vực giữa Mỹ với những đối tác quan trọng.