“Tuyên truyền” đi trước
Chính trị - Ngày đăng : 06:01, 28/10/2013
Thực tế ở Đảng bộ phường Kiến Hưng (Hà Đông) là ví dụ. Khi địa phương tiến hành thu hồi đất nông nghiệp để triển khai một số dự án quan trọng đã nảy sinh tình trạng một số công dân kiến nghị, khiếu nại về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng... Đảng ủy phường đã thành lập các tổ công tác, phân công đảng ủy viên phụ trách từng cụm dân cư để tuyên truyền, giải thích cho các hộ dân. Tuy nhiên, do chất lượng cán bộ không đồng đều, một số yếu về kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, nhất là hiểu biết về chính sách liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng nên chưa làm tốt công tác tuyên truyền. Phó Bí thư Đảng ủy phường này thừa nhận, nếu như mỗi cán bộ đều am hiểu tường tận chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giải thích thấu tình, đạt lý cho người dân, chắc chắn giảm được phức tạp từ cơ sở.
Tương tự, vụ việc vi phạm chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai của một số cán bộ ở xã Liên Hiệp (Phúc Thọ) và việc khiếu kiện, tập trung đông người xảy ra tại địa phương này cũng cho thấy công tác tuyên truyền thiếu chủ động, kém hiệu quả. Nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc là do buông lỏng công tác lãnh đạo, quản lý đất đai và hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ của một số cán bộ cơ sở; Huyện ủy, UBND huyện đã rốt ráo chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tập trung giải quyết, xử lý cán bộ vi phạm, ổn định tình hình địa phương… Nhưng nếu cấp ủy, hệ thống chính trị ở cơ sở chủ động nắm bắt tình hình, tư tưởng cán bộ, nhân dân, kịp thời thông tin để người dân nắm rõ bản chất vụ việc; đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… có lẽ đã không xảy ra tình trạng một số người dân tụ tập khiếu kiện gây mất an ninh trật tự.
Hai ví dụ trên cho thấy, công tác nắm bắt tình hình, tư tưởng, tuyên truyền vận động quần chúng có ý nghĩa quan trọng. Để phát huy vai trò của công tác tuyên truyền, khắc phục những hạn chế, cuối tháng 8 vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã triển khai Đề án số 05-ĐA/TU về "Đổi mới công tác nắm bắt, nghiên cứu và định hướng dư luận xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố". Đề án có nhiều giải pháp giúp công tác nắm bắt, nghiên cứu và định hướng dư luận xã hội được hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để đề án đạt yêu cầu, các cấp ủy cần củng cố đội ngũ, tăng cường bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có "đủ tầm" nắm bắt dư luận, chủ động tuyên truyền, giúp cán bộ, nhân dân hiểu, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.