Cử tạ VN với SEA Games 27: Không phải đau đầu với hạng cân “tủ”

Thể thao - Ngày đăng : 06:33, 27/10/2013

(HNM) - Các nhà quản lý không phải đứng trước sự lựa chọn VĐV dự hạng 56kg khi Điều lệ SEA Games 27 đã cho phép các nước được cử nhiều VĐV dự một hạng cân.

Như vậy cũng đủ để cử tạ Việt Nam yên tâm với các lực sĩ hạng 56kg tại SEA Games 27 tới.

Nhưng vui hơn khi các nhà quản lý không phải đứng trước sự lựa chọn VĐV dự hạng 56kg khi Điều lệ SEA Games 27 đã cho phép các nước được cử nhiều VĐV dự một hạng cân.

Thạch Kim Tuấn


Cử tạ Việt Nam từng đau đầu vì lo không có người kế thừa á quân Olympic 2008 Hoàng Anh Tuấn ở hạng 56kg. Đây cũng là hạng cân mang lại nhiều vinh quang cho cử tạ cũng như Thể thao Việt Nam. Nhưng gần đây, sự vươn lên của Trần Lê Quốc Toàn và nhất là Thạch Kim Tuấn đã đẩy các nhà quản lý đến một nỗi lo khác là chọn ai, bỏ ai khi các ĐH thể thao quốc tế chỉ cho phép mỗi quốc gia cử một VĐV dự một hạng cân. Những lần trước, tại Olympic, ASIAD đều đưa ra quy định này. Nếu cứ theo điều lệ ban đầu của SEA Games 27 thì sau Giải vô địch cử tạ thế giới, các nhà quản lý cử tạ Việt Nam sẽ đứng trước lựa chọn khó khăn, do khủng hoảng thừa ở hạng 56kg.

Dù không nói ra song người trong nghề đều hiểu rằng hiện tại luôn có cuộc đua ngấm ngầm (thực ra là cạnh tranh lành mạnh) giữa hai lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn tại hạng 56kg. Trần Lê Quốc Toàn đã thành danh với vị trí thứ tư tại Olympic 2012, HCV SEA Games 26 năm 2011. Và anh còn được hưởng chế độ chăm sóc đặc biệt của ngành thể thao khi được tạo điều kiện đi tập huấn nước ngoài, được chuyên gia người Bulgary trực tiếp huấn luyện. Trong khi đó, Thạch Kim Tuấn từng nổi lên với chức vô địch Olympic trẻ thế giới và gần đây tiến bộ vượt bậc. Đáng chú ý, Thạch Kim Tuấn chỉ tập huấn trong nước với người thầy "ruột" Huỳnh Hữu Chí. Nếu xét bề ngoài, rõ ràng Trần Lê Quốc Toàn nhận được sự đầu tư mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, thành tích mới quyết định xem ai có tài hơn, phương pháp huấn luyện nào (giữa thầy nội và thầy ngoại) có hiệu quả hơn.

Người ta đã từng rất chờ đợi cuộc so tài giữa Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn tại Giải vô địch quốc gia 2013. Tuy nhiên, trước giải, Quốc Toàn đã đi tập huấn tại Bulgary để chuẩn bị cho Giải vô địch thế giới. Thế nên, chức vô địch quốc gia ở cả 3 nội dung (cử giật, cử đẩy, tổng cử) của Thạch Kim Tuấn cũng chưa thuyết phục, dù khá ấn tượng (đáng kể nhất là thành tích 131kg ở nội dung cử giật, phá kỷ lục quốc gia của Hoàng Anh Tuấn).

Trước Giải vô địch thế giới, nhiều thông tin cho rằng đây sẽ là đợt sát hạch quyết định xem Thạch Kim Tuấn hay Trần Lê Quốc Toàn sẽ được tham dự hạng 56kg tại SEA Games 27. Nếu Thạch Kim Tuấn trội hơn Quốc Toàn, các nhà quản lý bộ môn sẽ rất khó xử. Dù sao Trần Lê Quốc Toàn cũng được đầu tư mạnh mẽ. Nếu thua Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn khó có cơ hội tham dự SEA Games 27. Lúc đó, sự đầu tư của Tổng cục TDTT cho lực sĩ này coi như không phát huy hết hiệu quả. Và quan trọng hơn cả, sẽ không tránh khỏi sự so bì giữa đầu tư, huấn luyện trong nước với đầu tư, huấn luyện có yếu tố nước ngoài. Nếu chọn Trần Lê Quốc Toàn dự SEA Games 27, chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của cử tạ TP Hồ Chí Minh. Và lúc đó, nếu muốn dự SEA Games 27, Quốc Toàn chỉ còn cách dự hạng cân cao hơn là 63kg. Nếu vậy, lực sĩ này khó đoạt huy chương. Cuối cùng, tại Giải vô địch thế giới, Thạch Kim Tuấn đã giành 3 HCĐ trong đó đạt tổng cử 283kg trong khi Trần Lê Quốc Toàn chỉ xếp hạng tư ở cả 3 nội dung (tổng cử là 278kg). Cứ như điều lệ SEA Games 27 dự kiến (mỗi nội dung thi đấu cử tạ chỉ được cử 1 VĐV tham dự), Trần Lê Quốc Toàn khó được tham dự.

Tuy nhiên, gần đây, phụ trách bộ môn Cử tạ (Tổng cục TDTT) Đỗ Đình Kháng cho hay, Điều lệ SEA Games 27 đã thay đổi, cho phép nhiều VĐV một quốc gia được dự tranh một nội dung. Như vậy, tình huống xấu nhất đã không xảy ra với các nhà quản lý và Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn sẽ cùng dự hạng 56kg tại SEA Games 27. Quan trọng hơn cả, cơ hội đoạt HCV SEA Games 27 hạng 56kg của cử tạ Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Âu cũng là điều may mắn cho cử tạ Việt Nam.

Thùy An