Quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc: “Nổi sóng” vì thực phẩm nhiễm xạ
Thế giới - Ngày đăng : 08:12, 26/10/2013
Nguyên nhân dẫn đến căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng ở khu vực Đông Bắc Á này được châm ngòi sau khi Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) thừa nhận có khoảng 300 tấn nước có chứa các chất phóng xạ phát thải tia beta, với nồng độ lên tới 80 triệu bql/lít bị rò rỉ khỏi một bồn chứa ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1.
Hàn Quốc lo ngại nhiều mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản bị nhiễm xạ. |
Theo nhận định của TEPCO, một phần trong số nước rò rỉ này có thể đã chảy vào Thái Bình Dương. Đây được xem là vụ rò rỉ nước nhiễm phóng xạ tồi tệ nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima xảy ra tháng 3 năm 2011. Ngay sau tuyên bố trên, tất cả các hoạt động đánh bắt thủy sản ở ngoài khơi tỉnh Fukushima đã bị tạm ngừng. Thế nhưng, thông tin đó ngay lập tức đã khiến dư luận Hàn Quốc lo ngại về sự mất an toàn của các mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản.
Do lo ngại tâm lý bất an trong người tiêu dùng Hàn Quốc đối với các mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Nhật Bản có thể biến thành làn sóng chỉ trích nhằm vào chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye, đầu tháng 9 vừa qua Chính phủ Hàn Quốc quyết định mở rộng phạm vi áp dụng của lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ quốc gia láng giềng. Lệnh cấm này được áp dụng đối với tất cả các mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ tỉnh Fukushima, nơi có Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 và 7 tỉnh khác của Nhật Bản, trong đó có hai tỉnh không giáp biển là Gunma và Tochigi. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn quyết định hạ giới hạn cho phép về nồng độ phóng xạ trong các sản phẩm thủy sản từ 370 bql/kg xuống còn 100 bql/kg.
Thế nhưng, kèm với đó, "sóng gió" đã nổi lên trong quan hệ Nhật - Hàn. Không đồng ý với quyết định trên của Seoul, Tokyo không ngừng lên tiếng khẳng định nước này có các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất chặt chẽ trên cơ sở các quy tắc quốc tế và thường xuyên đo nồng độ phóng xạ. Lo ngại những thông tin sai lệch về sự an toàn của các sản phẩm nông - lâm - thủy sản của Nhật Bản có thể lan rộng nếu Hàn Quốc tiếp tục duy trì lệnh cấm nhập khẩu trên, Nhật Bản đã nỗ lực thuyết phục Hàn Quốc dỡ bỏ quyết định nhưng đến nay vẫn bất thành khi hơn hai tháng đã trôi qua.
Không chịu "khuất phục", đầu tháng 10 vừa qua Nhật Bản đã yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) làm "trọng tài" cho bất đồng hiện có. Tuy nhiên, Ủy ban Vệ sinh và Vệ sinh thực vật của WTO - cơ quan giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm - lại không có thẩm quyền áp đặt các mệnh lệnh bắt buộc đối với các bên phải tuân theo. Trong một nỗ lực mới nhất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 ở Brunei vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề nghị các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN nới lỏng hoặc xóa bỏ các lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Nhật Bản.
Các số liệu thống kê cho thấy, năm ngoái Hàn Quốc đã nhập khẩu 40.000 tấn sản phẩm cá các loại từ Nhật Bản, trong đó có 5.000 tấn từ 8 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố hạt nhân kể trên. Trong bối cảnh đó nếu những căng thẳng trên không sớm được giải quyết thì không chỉ nguồn cung thủy sản của Hàn Quốc bị ảnh hưởng mà còn có tác động không tích cực đến quan hệ hai nước.