Ngăn chặn “chảy máu” ngân sách
Kinh tế - Ngày đăng : 06:54, 26/10/2013
Đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực thuế đang là vấn đề “nóng”. Ảnh: Như Ý |
Tội phạm thuế gia tăng
Lợi dụng những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và diễn biến khó khăn của nền kinh tế, tội phạm trong lĩnh vực thuế gần đây diễn biến khá phức tạp và có dấu hiệu gia tăng về số lượng. Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực thuế vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế nhận xét, trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, SXKD ngừng trệ. Hàng chục nghìn DN đã rơi vào tình trạng phá sản dẫn tới số nợ thuế tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân xuất hiện nhiều vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thuế.
Trong 5 năm thực hiện quy chế phối hợp (2007-2013), hai lực lượng Thuế-Công an đã trao đổi 27.516 công văn, tài liệu, thông tin về vụ việc liên quan đến lĩnh vực thuế; 218 vụ vi phạm pháp luật thuế đã bị xử lý hình sự; 10.155 vụ xử lý hành chính, thu hồi, nộp ngân sách 782,6 tỷ đồng tiền thuế trốn, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế. Điển hình là vụ việc do PC46, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan thuế phá chuyên án Nguyễn Văn Nhi cùng đồng bọn thành lập 10 công ty để mua bán hóa đơn trái phép với doanh số sau thuế hơn 4.000 tỷ đồng, tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) Nhà nước thiệt hại hơn 390 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, Cục Thuế TP Hà Nội và Công an TP Hà Nội đã thường xuyên phối hợp đấu tranh với những đối tượng vi phạm pháp luật về thuế. 2.379 vụ việc đã được hai đơn vị phối hợp thực hiện. Qua đấu tranh, đã truy thu và phạt vi phạm về thuế hàng trăm tỷ đồng. Điển hình là vụ Công ty TNHH Thương mại vật tư thiết bị điện, do Nguyễn Anh Dũng làm giám đốc, bán khống 81 hóa đơn với số tiền 8,8 tỷ đồng, thuế GTGT 0,8 tỷ đồng, trốn thuế 1,9 tỷ đồng, giám đốc đã bị xử 24 tháng tù giam. Vụ việc tại Công ty TNHH Thương mại kinh doanh vật tư thiết bị điện công nghiệp, do Đỗ Tiến Dũng làm giám đốc, bán khống 609 hóa đơn GTGT, số tiền 22,5 tỷ đồng, thuế GTGT: 1,7 tỷ đồng, giám đốc đã bị xử phạt 48 tháng tù giam...
Vừa sách nhiễu vừa... bảo kê
Thống kê cho thấy, tiền đóng thuế hiện chiếm hơn 70% tổng thu NSNN, giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động của kinh tế nước ta. Vì vậy, tội phạm thuế càng nhiều thì nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng càng lớn. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thực hiện cam kết với WTO về thuế với nhiều chính sách ưu đãi được triển khai, song hệ thống văn bản pháp luật về thuế lại thiếu đồng bộ, còn tồn tại nhiều bất cập, việc phối hợp chặt chẽ giữa hai bộ Tài chính - Công an đã góp phần ngăn ngừa hiệu quả tình trạng thất thu NSNN. Đại diện Bộ Công an cho rằng, quy chế phối hợp đã khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, thiếu trọng tâm, trọng điểm trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về thuế.
Tuy nhiên, liên ngành thuế - công an cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc hiện nay, như chính sách pháp luật thường xuyên sửa đổi, bổ sung; hành vi trốn thuế, gian lận ngày càng tinh vi phức tạp. Trên thực tế, tội phạm về thuế thường hoạt động có tổ chức, liên quan đến nhiều địa phương, trong khi đó sự phối hợp giữa các địa phương lại chưa chặt chẽ khiến việc điều tra, xử lý rất khó khăn. Một số công chức của hai lực lượng có biểu hiện sách nhiễu, tiếp tay cho các cơ quan, DN vi phạm pháp luật hoặc hoạt động dưới dạng bảo kê cho DN...
Theo Bộ Tài chính, trong quá trình hội nhập kinh tế, xu hướng phát sinh những loại tội phạm thuế mới cũng cần được quan tâm. Dự báo, trong thời gian tới, ngoài những vi phạm pháp luật và tội phạm về thuế thông thường, như thành lập doanh nghiệp "ma", gian lận thương mại trong ký kết các hợp đồng ngoại thương, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, trốn thuế... nhiều loại tội phạm mới sẽ xuất hiện trong các lĩnh vực: gian lận hoàn thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu kinh tế thương mại tự do, gian lận thuế trong các ngành kinh doanh bảo hiểm, thuế nhà thầu, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh internet, kinh doanh tư vấn pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Những diễn biến phức tạp này đòi hỏi có biện pháp hiệu quả để sớm phát hiện những hành vi sai phạm, góp phần giảm tình trạng "chảy máu" ngân sách và giữ vững an ninh kinh tế quốc gia.