DN khai khoáng, viễn thông, ngân hàng đóng góp ngân sách cao nhất
Kinh tế - Ngày đăng : 13:28, 25/10/2013
Thứ hạng của các doanh nghiệp trong bảng V1000 năm 2013 được quyết định bởi tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp được thực nộp trong năm 2012.
BXH V1000 bên cạnh việc phản ánh đóng góp của các doanh nghiệp với ngân sách quốc gia, cũng phần nào thể hiện được hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Đó là chỉ các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có lãi mới phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Thứ hạng cao của một doanh nghiệp trong BXH V1000 cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đó có kết quả kinh doanh tốt và đạt được lợi nhuận cao.
Xét theo lợi nhuận, PVEP và VIETTEL chiếm vị trí thứ nhất và thứ hai trong nhóm 10 doanh nghiệp trong top đầu BXH. PVGAS và VINAMILK cũng đạt được lợi nhuận kỷ lục là hơn 12,3 ngàn tỷ đồng và 6,9 ngàn tỷ đồng trong năm 2012.
Doanh nghiệp đứng thứ 4 BXH V1000, PVGAS có chỉ tiêu ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tài sản) cao nhất trong top 10, tiếp theo là VINAMILK và VIETTEL. Tuy nhiên, xét theo chỉ tiêu ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu), VINAMILK lại là doanh nghiệp có chỉ số ROE vượt trội so với các doanh nghiệp khác, gần 0,7. Điều này cho thấy trong năm 2012, cứ một đồng vốn của VINAMILK sẽ sinh ra 0,7 đồng lợi nhuận, cao hơn gấp nhiều lần mức lãi suất ngân hàng.
Tuy có tới 4 đại diện trong top 10, nhưng các ngân hàng lại có chỉ tiêu ROA và ROE thấp hơn so với các doanh nghiệp ngành khai khoán và viễn thông. Điều này phần nào phản ánh thực trạng khó khăn của ngành ngân hàng trong năm 2012, khi mà suy thoái kinh tế và nợ xấu ảnh hưởng nhiều tới môi trường hoạt động và kết quả kinh doanh của các ngân hàng.
Bên cạnh đó, hai đại diện của ngành dầu khí Việt Nam, PETROVIETNAM và PVEP, có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cao nhất. Đó là do lợi nhuận của các doanh nghiệp này được mang lại từ các dự án liên doanh liên kết trong lĩnh vực khai thác dầu thô và khí đốt. VINAMILK có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đứng thứ 3, cao hơn 25%. Điều này phản ánh thực chất về hiệu quả hoạt động cao của doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong ngành sữa. VIETTEL cũng thể hiện được mức độ hiệu quả cao của mình khi đứng thứ 4. Doanh thu của VIETTEL năm 2012 đạt 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận thu về đạt 27.000 tỷ đồng.
Nếu xem xét mức độ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp trong tương quan với tổng doanh thu, PVEP có tỷ lệ tốt nhất, tiếp theo là MOBIPHONE.
Trong thời gian tới, do những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp V1000 nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Trần Đình Thiên đã chia sẻ: "Từ khủng hoảng toàn cầu và suy thoái kinh tế năm 2008, đến nay thế giới đã bước vào quỹ đạo phục hồi, nhưng Việt Nam vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy”, với mối lo tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực". Tình trạng bất ổn do nợ xấu chưa được giải quyết, thị trường bất động sản trầm lắng, tốc độ tăng trưởng kém hơn các nước láng giềng, chỉ số cạnh tranh sụt giảm, kết quả hoạt động bi quan của khối doanh nghiệp, thêm vào đó là sự thiếu hụt nguồn thu thuế quốc gia đã và đang ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế.
Theo đó, các doanh nghiệp trong BXH V1000 cũng như các doanh nghiệp nói chung cần phải nỗ lực hơn nữa để vượt qua khó khăn, duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh cao và góp phần đưa nền kinh tế phát triển.
Top 10 doanh nghiệp đứng đầu BXH V1000 năm 2011: 1 - TỔNG CÔNG TY THĂM DÒ KHAI THÁC DẦU KHÍ (PVEP) 2 - TẬP ĐOÀN VIỄN THÔNG QUÂN ĐỘI (VIETTEL) 3 - CÔNG TY THÔNG TIN DI ĐỘNG (MOBIPHONE) 4 - TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM - CÔNG TY CỔ PHẦN (PVGAS) 5 - TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ QUỐC GIA VIỆT NAM (PETROVIETNAM) 6 - NGÂN HÀNG TMCP CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM (VIETINBANK) 7 - NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM (AGRIBANK) 8 - CÔNG TY CỔ PHẦN SỮA VIỆT NAM (VINAMILK) 9 - NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM (VIETCOMBANK) 10 - NGÂN HÀNG TMCP ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM (BIDV) |