“Hút” vốn đầu tư Nhật vào ngành công nghiệp phụ trợ
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:57, 25/10/2013
TP Hồ Chí Minh đang rất cần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. |
UBND TP Hồ Chí Minh vừa trao giấy chứng nhận đầu tư mới và tăng vốn cho ba công ty Nhật Bản với tổng vốn đăng ký là 170 triệu USD. Công ty TNHH Khu kỹ nghệ Việt Nhật (liên doanh giữa Công ty Vie-Pan Industrial Park Co.,Ltd và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước) có tổng vốn đầu tư 31 triệu USD, chuyên cung cấp nhà xưởng kèm dịch vụ trọn gói cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản có trình độ công nghệ cao. Công ty TNHH Sài Gòn Precision tăng vốn 129 triệu USD để mở rộng và nâng cấp dây chuyền sản xuất tại Khu chế xuất Linh Trung I, nâng tổng số vốn đầu tư đăng ký là 219 triệu USD. Đây là nhà máy thứ 4 của Sài Gòn Precision, sản xuất các sản phẩm dành cho ngành chế tạo máy, các hệ thống tự động hóa, ro-bot. Công ty TNHH Nidec Tosok Akiba hoạt động trong KCX Tân Thuận chuyên sản xuất thân van điều khiển trong hộp số tự động và các linh kiện của xe ô tô cũng đầu tư thêm 10 triệu USD để mở rộng, nâng cấp dây chuyền sản xuất, đưa tổng mức đầu tư đăng ký lên 38,25 triệu USD.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Nhật Bản hiện đang có 619 dự án trên địa bàn với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD, là nhà đầu tư đứng thứ 5 của thành phố. 9 tháng năm 2013, các nhà đầu tư Nhật đang dẫn đầu nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào TP Hồ Chí Minh với 88 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư 68,9 tỷ USD. Còn tính chung cả nước, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết đến hết năm 2012 Nhật Bản đã ghi dấu mốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 5,6 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Tính lũy kế đến tháng 8-2013, Nhật Bản có 2.029 dự án đầu tư còn hiệu lực (đứng thứ ba sau Hàn Quốc và Đài Loan), nhưng có tổng vốn đăng ký đầu tư lớn nhất với 33,06 tỷ USD.
Theo ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam là một trong những điểm đến quan trọng của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản. Điểm đặc biệt là các DN Nhật rất quan tâm và muốn đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Hiện, tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam còn thấp, mới đạt 28%, thậm chí có những DN mới đạt tỷ lệ nội địa chỉ 12,6%, trong khi Thái Lan là 54%. Tuy nhiên, ông Yasuzumi Hirotaka cũng nêu các khó khăn mà các công ty Nhật nói riêng và FDI nói chung là hành lang pháp lý của Việt Nam chưa ổn định, tính minh bạch chưa cao, thiếu lao động chất lượng cao. Riêng với các DN trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, nên ông Yasuzumi Hirotaka cho rằng rất cần được tạo điều kiện về cơ chế, lãi suất để có thể thúc đẩy ngành công nghiệp này.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng cho biết, để "hút" vốn đầu tư của các DN Nhật, TP Hồ Chí Minh đang gấp rút triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại. Trong tháng 10 này, thành phố sẽ tổ chức đoàn 50 DN đi hội thảo và kết nối giao thương tại các thành phố Osaka, Kobe, Yokohama và Tokyo của Nhật Bản. Thành phố cũng đã tiến hành ký kết nghĩa với các thành phố Osaka, Okinawa, Yokohama để tạo điều kiện cho các DN hai bên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật và công nghệ mới, từ đó thúc đẩy sản xuất và hợp tác thương mại và đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cao.