Trung - Ấn ký Hiệp định hợp tác biên giới: Tạo dựng lòng tin
Thế giới - Ngày đăng : 06:30, 25/10/2013
Thủ tướng Manmohan Singh (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường nhất trí thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới. |
Diễn ra chưa đầy năm tháng kể từ sau chuyến thăm chính thức Ấn Độ hồi tháng 5 vừa qua của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, sự hiện diện của nhà lãnh đạo Manmohan Singh tại Bắc Kinh ba ngày qua đã có nhiều ý nghĩa trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia láng giềng ở khu vực Châu Á này. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1954 các Thủ tướng của Trung Quốc và Ấn Độ thực hiện các chuyến thăm viếng nhau trong cùng một năm.
Cùng với gần chục thỏa thuận hợp tác vừa được ký kết, Hiệp định hợp tác biên giới là thỏa thuận quan trọng hàng đầu được hai bên trông đợi trong chuyến thăm này. Là hai quốc gia đông dân nhất thế giới, hai nền kinh tế quan trọng của khu vực cũng như trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài khoảng 3.500km, xuyên qua cả dãy núi Himalaya hùng vĩ. Dù những năm qua quan hệ Trung - Ấn được cải thiện nhiều, song vẫn tồn tại một số mâu thuẫn xung quanh đường ranh giới không chính thức phân định lãnh thổ hai nước năm 1962 vẫn gọi là Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC). Theo quan điểm của Ấn Độ, Trung Quốc đã kiểm soát bất hợp pháp 38.000km2 lãnh thổ thuộc bang Kashmir trong khi Bắc Kinh lại tuyên bố chủ quyền đối với 90.000km2 diện tích bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, trong đó có khu vực Tawang. Hai nước đã ký hai thỏa thuận nhằm duy trì hòa bình tại khu vực này, nhưng một loạt "sự cố" xảy ra thời gian qua liên quan đến LAC vẫn được xem là trở ngại lớn trong quan hệ hai nước.
Trong bối cảnh đó, Hiệp định hợp tác biên giới mà hai bên vừa ký kết có ý nghĩa hết sức quan trọng khi được xem là một biện pháp xây dựng lòng tin nhằm bảo đảm rằng các hoạt động tuần tra dọc theo LAC không leo thang thành xung đột ngoài ý muốn. Khẳng định rằng lợi ích chung giữa hai nước lớn hơn so với bất đồng còn tồn tại, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh tranh chấp biên giới không ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Cùng với Hiệp định vừa được ký kết, Thủ tướng Lý Khắc Cường còn đề nghị đặc phái viên của mỗi bên về vấn đề biên giới duy trì liên lạc, trao đổi giải pháp hợp lý và công bằng nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực biên giới.
Ngoài thỏa thuận then chốt này, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, giảm thâm hụt thương mại song phương cũng là chủ đề nóng được các nhà lãnh đạo hai bên thảo luận trong chuyến công du của Thủ tướng Manmohan Singh. Các số liệu thống kê cho thấy, thương mại song phương giữa hai nước đạt 74,9 tỷ USD năm 2011 và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, con số này đã sụt giảm xuống còn 66 tỷ USD trong năm 2012. Trong bối cảnh Ấn Độ đang bị thâm hụt thương mại lên đến 39 tỷ USD với Trung Quốc, việc tìm ra lời giải cho bài toán cân bằng thương mại Trung - Ấn được lãnh đạo hai bên quan tâm. Điều này càng có vai trò lớn khi hai nước hướng tới mục tiêu đạt 100 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2015. Các chuyên gia phân tích nhận định, nếu thâm hụt thương mại giữa hai nước ngày càng lớn thì sẽ không tác động tích cực tới quan hệ Trung - Ấn.
Vượt qua quá khứ, quan hệ Trung - Ấn đang đứng trước nhiều cơ hội hợp tác phát triển mới. Sự kiện Thủ tướng Lý Khắc Cường chọn Ấn Độ làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức cho thấy quốc gia láng giềng "chung vách" Himalaya vẫn là trọng tâm ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh. Trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh chiến lược xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương, việc củng cố hơn nữa sự hợp tác với quốc gia láng giềng có vị thế quan trọng trong khu vực như Ấn Độ là một nước cờ cần thiết của Bắc Kinh. Như khẳng định của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc hội kiến Thủ tướng Manmohan Singh, quan hệ Trung - Ấn đã bước vào giai đoạn phát triển toàn diện và đóng vai trò chiến lược trong tiến trình phát triển chung của thế giới. Với Ấn Độ, đẩy mạnh hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho quốc gia Nam Á này trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thị trường xuất khẩu công nghệ và dược phẩm.