An toàn cho phương tiện, thân thiện với môi trường
Công nghệ - Ngày đăng : 07:12, 24/10/2013
Tính đến đầu năm nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đi tiên phong với 3 nhà máy sản xuất ethanol (cả nước có 6 nhà máy), dự kiến đến năm 2014-2015, khi cả 3 nhà máy này hoạt động ổn định với 100% công suất sẽ cung cấp ra thị trường mỗi năm 300.000m3 ethanol nhiên liệu, đủ để pha được 6 triệu mét khối xăng E5 (tương đương với 94% nhu cầu tiêu thụ xăng của cả nước năm 2014). Nếu tính thêm các nhà máy khác ngoài PVN, nguồn cung ethanol nhiên liệu trong nước sẽ đáp ứng đủ 100% nhu cầu thị trường. Với các lợi ích như bảo đảm an ninh năng lượng, giảm lượng phát thải khí độc hại, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân… nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng năng lượng sinh học theo hướng bền vững.
Theo Bộ Công thương, việc phát triển NLSH sẽ tạo thị trường tiêu thụ cho nông sản, tạo việc làm, góp phần giảm di dân về các đô thị. Đặc biệt, NLSH đang được sử dụng rộng rãi ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã chứng minh hỗn hợp xăng pha ethanol có thể sử dụng tốt cho các loại xe máy, ôtô mà không cần thay đổi kết cấu động cơ. Các chuyên gia cũng cho rằng, qua việc triển khai đề tài "Nghiên cứu khả năng tương thích của động cơ nổ thế hệ cũ sử dụng xăng sinh học có tỷ lệ ethanol E10 lớn hơn 5%" của ngành chức năng cũng cho thấy, có thể sử dụng xăng E10 trên động cơ ô tô, xe máy đang lưu hành mà không cần phải điều chỉnh kết cấu. Vật liệu của các chi tiết trong hệ thống cung cấp nhiên liệu tương thích với xăng E10... Như vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm trong quá trình vận hành có thể sử dụng lẫn xăng E10 và RON 92 thông thường mà không gây ảnh hưởng tới tính năng của phương tiện.
Sau khi 3 nhà máy sản xuất NLSH đi vào hoạt động, PVN cần khoảng 1,8 triệu tấn sắn tươi tương đương với 750.000 tấn sắn lát khô/năm. Do giá sắn chiếm 60-65% giá thành sản phẩm ethanol nên nhiệm vụ bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy đóng vai trò rất quan trọng. PVN đã lập quy hoạch 13.000ha trồng sắn tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa, Yên Bái, tỉnh Bolikhamxay (Lào)… và đã khuyến khích phát triển 4.000ha trồng sắn tại vùng quy hoạch trong năm 2011. Còn tại miền Trung và miền Nam, Nhà máy NLSH Dung Quất, Quảng Ngãi (vận hành quý III-2013), đã lập quy hoạch, đầu tư trồng gần 17.000ha sắn tại địa phương, có thể đáp ứng 50-60% nguyên liệu. Bên cạnh đó, PVN đã xây dựng và đưa vào hoạt động gần 400 trạm pha chế các loại tại Hải Phòng, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh. Sản xuất và tiêu thụ trong năm qua của các nhà máy đạt 21.778m3, trong đó tiêu thụ nội địa đạt 2.226m3, xuất khẩu 11.503m3, tồn kho 7.610m3.
Trong khi những khó khăn về thị trường tiêu thụ trong nước chưa được giải quyết, thì doanh nghiệp đầu tư lại gặp khó khăn liên quan đến việc thoái vốn của đối tác, nguồn nguyên liệu chưa ổn định nên phải cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất tinh bột và xuất khẩu, hơn nữa lại thiếu cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước trong quy hoạch, chính sách hỗ trợ nông dân, phương thức thu mua còn nhiều bất cập, chi phí đầu tư hệ thống kho, phân phối, quảng bá sản phẩm lớn và chưa đồng bộ… Vì thế, PVN kiến nghị cấp có thẩm quyền cho áp dụng các cơ chế hỗ trợ phát triển trồng sắn nguyên liệu, quy hoạch đủ quỹ đất còn trống ở gần với 3 nhà máy; nghiên cứu các loại giống sắn mới chất lượng tốt, kỹ thuật canh tác hiện đại và chuyển giao cho nông dân áp dụng… Đặc biệt, PVN kiến nghị miễn thuế nhập khẩu thiết bị, vật tư phục vụ tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối NLSH trong nước chưa sản xuất được và thuế môi trường với xăng pha cồn E5, bởi đó là sản phẩm thân thiện với môi trường…