“Hâm nóng” thị trường bất động sản
Bất động sản - Ngày đăng : 07:06, 24/10/2013
Nhà thu nhập thấp Khu đô thị Đặng Xá. Ảnh: Duy Anh |
Đầu tiên là Dự án nhà thu nhập thấp tại Khu đô thị (KĐT) Đặng Xá (Gia Lâm) do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư, chào bán hơn 1.100 căn hộ, có diện tích 35-69m2, giá bán 8,68 triệu đồng/m2. Như vậy, căn hộ diện tích nhỏ sẽ có mức giá khoảng 310 triệu đồng, một mức giá "gây sốc" trong khi các dự án nhà thu nhập thấp khác từ trước tới nay đều có giá hơn 11 triệu đồng/m2. Theo chủ đầu tư, mặc dù căn hộ có diện tích nhỏ nhưng được thiết kế linh hoạt, đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, bếp, lô gia… đáp ứng nhu cầu sử dụng trong các trường hợp khác nhau. Ngay trong tuần đầu tiên đã có 400 lượt khách hàng quan tâm và nộp hồ sơ mua nhà tại dự án này. Dự kiến lễ bốc thăm đợt 1 được tổ chức cuối tháng 10, chủ đầu tư ký hợp đồng với khách hàng từ ngày 27-10. Tại dự án này, VietinBank triển khai gói tín dụng ưu đãi, khách hàng có thể vay tối đa 80% giá trị căn hộ, với lãi suất không quá 6%/năm. Những căn hộ đầu tiên sẽ được bàn giao vào dịp Tết Nguyên đán tới.
Sau dự án Đặng Xá, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô đã khởi công Dự án Khu nhà ở thu nhập thấp KĐT Bắc Cổ Nhuế - Chèm (xã Đông Ngạc - Từ Liêm). Dự án có diện tích 2ha, trong tổng thể hơn 361ha KĐT Bắc Cổ Nhuế-Chèm, với tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng, gồm 4 tòa nhà cao 12 tầng, cung cấp 930 căn hộ có diện tích 36,5-69,6m2. Dự kiến, những căn hộ đầu tiên được bàn giao trong quý IV-2014. Tại dự án này, chủ đầu tư dự kiến bán với giá 10,3 triệu đồng đến 10,8 triệu đồng/m2. Như vậy, mỗi căn hộ tùy theo diện tích sẽ dao động 400-700 triệu đồng. Cũng như các dự án nhà xã hội khác, khách hàng mua nhà được cho vay ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng, với lãi suất không quá 6%/năm, khoản vay tới 80% giá trị căn hộ.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến hết năm 2013, Hà Nội có 6 dự án nhà ở xã hội nhận đăng ký gồm các dự án: KĐT Thanh Lâm - Đại Thịnh (Mê Linh) do Tổng Công ty HUD làm chủ đầu tư, với 1.456 căn hộ; KĐT Đặng Xá do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư, (1.139 căn hộ); KĐT Tây Nam Linh Đàm do BIC Việt Nam và HUD làm chủ đầu tư (980 căn hộ); KĐT Bắc Cổ Nhuế - Chèm do Công ty CP Thủ đô làm chủ đầu tư (930 căn hộ); 143-Trần Phú (Hà Đông) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Sông Đà làm chủ đầu tư (512 căn hộ) và Dự án tổ hợp văn phòng, nhà ở 30 Phạm Văn Đồng do Công ty cổ phần Dịch vụ Bắc Hà làm chủ đầu tư với 294 căn hộ. Theo kế hoạch, các dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2015. Đến nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã nhận được báo cáo của 75 đơn vị, với 8.338 cán bộ đăng ký nhu cầu nhà ở xã hội tại 11 dự án, trong đó có 34 đơn vị trung ương đóng trên địa bàn, với 6.373 người đăng ký, 41 đơn vị thuộc thành phố, với 1.965 người có nhu cầu.
Được biết, nếu tập trung đầu tư khẩn trương đến năm 2015, Hà Nội có thể hoàn thành khoảng 12.296 căn hộ. So sánh với chỉ tiêu phát triển nhà thu nhập thấp đến năm 2015, Hà Nội vẫn còn thiếu hơn 3.000 căn hộ, do đó thành phố tiếp tục xem xét đề xuất thêm dự án khởi công mới, dự án chuyển đổi công năng, hoặc có thể mua nhà thương mại làm nhà xã hội để hoàn thành chỉ tiêu và chuẩn bị dự án gối đầu cho kế hoạch từ năm 2015 đến năm 2020.
Theo Bộ Xây dựng, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho 619 khách hàng cá nhân vay từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, với số tiền là 203 tỷ đồng; trong đó đã giải ngân cho 590 khách hàng, với số tiền 142 tỷ đồng. Nếu tính cả khách hàng là doanh nghiệp, số tiền đã đăng ký là 890 tỷ đồng. Kết quả giải ngân còn khiêm tốn so với nhu cầu, mặc dù chính sách, quy định khá rõ là vì nhiều dự án vẫn còn đang hoàn thiện thủ tục, chưa đủ điều kiện giải ngân. Trong số danh sách 60 dự án Bộ Xây dựng gửi sang Ngân hàng Nhà nước để vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, phần lớn vẫn chưa xong thủ tục xây dựng, hoặc chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để khởi công. Mặt khác, các thủ tục cần có thời gian hoàn tất nên không thể nhanh hơn được.