Cốt lõi là nâng hiệu quả đầu tư công
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 24/10/2013
Theo tính toán, ngân sách cả năm 2013 ước hụt thu khoảng 59.430 tỷ đồng và dự kiến năm 2014 tiếp tục hụt thu. Chính phủ đã đưa thông điệp xin Quốc hội nới trần bội chi năm 2014 để kích thích việc phát triển đầu tư công và xem đó là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh "ngưng trệ" hiện nay. Tăng bội chi thêm một điểm phần trăm sẽ có thêm 40.000 tỷ đồng chi từ ngân sách, như vậy, nếu tăng từ 4,8% lên mức 5,3%, Chính phủ được quyền tăng chi khoảng 20.000 tỷ đồng.
Liên quan đến hụt thu và bội chi ngân sách, một nhà nghiên cứu kinh tế thẳng thắn nhận định: Kỷ luật tài khóa trong chi tiêu công chưa được tôn trọng và khu vực thường xuyên vượt dự toán lại chính là hành chính công - lĩnh vực đang có chủ trương cải cách mạnh mẽ nhất hiện nay. Để tăng tính kỷ luật tài khóa, theo vị chuyên gia này nên thay đổi các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách thành các luật ngân sách hằng năm. Bởi điều này cho phép tăng cường tính kỷ luật ngân sách và hạn chế tình trạng chi chuyển nguồn như hiện nay. Tăng tính kỷ luật tài khóa là hết sức cần thiết, thế nhưng cũng phải thấy rằng vấn đề bức thiết chính là hiệu quả đầu tư.
Thu không đủ kế hoạch, các khoản chi lại tăng lên, tỷ lệ bội chi trên GDP thêm doãng rộng. Thế nhưng nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước là những "đầu tàu" đóng góp nguồn thu cho ngân sách lại đang đua nhau nộp đơn xin miễn, giảm và khất nộp thuế. Chuyện này nói lên điều gì? Theo số liệu thống kê, khu vực kinh tế nhà nước chiếm 70% tổng vốn đầu tư quốc gia nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% vào tổng sản lượng quốc gia. Như vậy hiệu quả sử dụng nguồn vốn của khu vực kinh tế nhà nước kém hơn các khu vực kinh tế khác. Vậy có nên tiếp tục hưởng ưu đãi về nguồn vốn, về lãi suất và các đặc quyền vượt trội như vậy?
Một vấn đề nữa, do năng suất thấp nhưng lại được hưởng rất nhiều quyền lợi nên giá cả của sản phẩm và dịch vụ công thường rất cao. Hậu quả là người sử dụng các sản phẩm dịch vụ công không chỉ phải trả giá cao hơn, mà còn phải trả thuế nhiều hơn. Thêm nữa là tình trạng lãng phí trong đầu tư công đã đến mức báo động. Nguồn vốn đầu tư dàn trải cho nhiều ngành, nhiều địa phương với sự đòi hỏi không bao giờ đủ. Điều này dẫn đến một vấn nạn phổ biến hiện nay đầu tư dở dang, kéo dài, dự án đầu tư chậm đưa vào hoạt động dẫn đến đội giá, chi phí đầu tư tăng… Hệ lụy thế nào chắc không phải bàn nhiều.
Nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng chia sẻ với khó khăn trong bố trí nguồn chi tiêu của Chính phủ và cũng đưa ra khuyến nghị số tiền chi thêm cần được sử dụng một cách có hiệu quả, không nên dùng để chi thường xuyên mà cần dành một phần để trả nợ xây dựng cơ bản, một phần để thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia còn dang dở. Cốt lõi để giải quyết vấn đề bội chi ngân sách chính là việc nâng cao hiệu quả đầu tư công, đặc biệt là khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư quá nhiều vào những lĩnh vực, những khu vực kinh tế không mang lại hiệu quả tương xứng với đồng vốn Nhà nước bỏ ra.