Nhất trí bố trí hơn 61.000 tỷ đồng cho dự án QL 1A và QL 14
Kinh tế - Ngày đăng : 17:16, 23/10/2013
Với phương án phát hành bổ sung thêm 170 nghìn tỷ đồng, dư nợ công, dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2015 cũng như cuối 2016 vẫn đảm bảo an toàn theo quy định, có khả năng huy động và cân đối được nguồn trả nợ.
Về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016, Chính phủ dự kiến sẽ bố trí 61,68 nghìn tỷ đồng đầu tư dự án Quốc Lộ 1A và Quốc lộ 14 (Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên). Đồng thời, bổ sung vốn cho các dự án đang đầu tư dở dang đã có trong danh mục trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và bổ sung một dự án duy nhất là luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 2011-2015 để thúc đẩy tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng là 73,32 nghìn tỷ đồng; bố trí 20 nghìn tỷ đồng vốn đối ứng các dự án ODA; bố trí 15 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tập trung chủ yếu cho các xã nghèo thuộc các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các vùng khó khăn khác.
Liên quan đến dự án luồng tàu biển cho tải trọng lớn vào sông Hậu, Chính phủ cho biết, đây là dự án đã được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong 2 năm 2009-2010 và có trong danh mục tại Nghị quyết 881/2010/UBTVQH12, nhưng do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hạn hẹp, nên Chính phủ đã hoãn thi công dự án này. Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là 9.781,2 tỷ đồng, trong đó đã bố trí vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch 2009-2010 là 929,3 tỷ đồng, nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ còn lại để hoàn thành dự án là 8.851,84 tỷ đồng. Trong điều kiện nguồn vốn khó khăn, trình Quốc hội cho phép bố trí 6.626 tỷ đồng để thực hiện thông luồng kỹ thuật của luồng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban cơ bản đồng tình với mức phân bổ cho các dự án thuộc các lĩnh vực như đề xuất của Chính phủ.
Với các dự án thuộc QL1A và QL14, Ủy ban nhất trí bố trí vốn nhưng đề nghị Chính phủ cần rà soát lại tổng mức đầu tư của từng dự án cụ thể, điều chỉnh thiết kế, dự toán, cắt giảm phần dự phòng không hợp lý ở nhiều dự án, tiểu dự án, đặc biệt các dự án bố trí dự phòng lên đến gần 50% tổng giá trị xây lắp. Đồng thời, phải bảo đảm về tiến độ, thời gian thực hiện và chất lượng của dự án, không để phát sinh làm tăng tổng mức đầu tư của dự án. Đề nghị tính toán lại mật độ các trạm thu phí và có phương án xử lý trong trường hợp các chủ dự án BOT thiếu vốn không đảm bảo được tiến độ cùng với các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Riêng Dự án Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu, nhiều ý kiến trong Ủy ban đồng tình với đề nghị của Chính phủ nhưng cũng có một số ý kiến không nhất trí vì cho rằng dự án không hiệu quả do thiếu tính kết nối quy hoạch cảng biển, đường thủy nội địa, hệ thống đường cao tốc và tập quán trong vận tải hàng hóa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; thiếu tính bền vững do điều kiện địa chất, thủy văn, môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng quá lớn, gấp trên 3 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu.