TP Hồ Chí Minh: Cầu vượt, ùn tắc cũng… vượt

Giao thông - Ngày đăng : 06:44, 23/10/2013

(HNM) - Tại TP Hồ Chí Minh, hai cầu vượt tại nút giao Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa và Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), dù thông xe nhiều tháng nay lại phát sinh nhiều bất cập mới.

Hình ảnh tắc nghẽn giao thông thường thấy tại nút giao cầu vượt Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa.



Tắc nghẽn kiểu… cầu vượt

Cầu vượt nút giao Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ (CH-HVT) có tổng vốn đầu tư 121,9 tỷ đồng thông xe cuối tháng 4-2013. Cầu vượt nút giao thông Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (HHT-CH) thì hoàn thành cuối tháng 8-2013 với tổng vốn đầu tư 246,7 tỷ đồng. Mục tiêu quan trọng của cả 2 cây cầu trăm tỷ này là giảm thiểu ùn tắc ở các nút giao thông cửa ngõ phía Tây TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đến giờ này, sau vài tháng đi vào sử dụng, hai cây cầu này lại phát sinh thêm điểm kẹt xe mới.

Ghi nhận của chúng tôi, trong những giờ cao điểm sáng chiều, ngay điểm giữa hai cầu vượt (trên đường Cộng Hòa) người đi đường luôn phải chứng kiến cảnh ùn ứ kéo dài. Đặc biệt, nếu như trước kia, nhiều tuyến đường phụ cận không xảy ra kẹt thì nay cùng chung số phận. Cụ thể, tại các nút giao thông gần cầu vượt HHT-CH như Cộng Hòa - Núi Thành, Ngô Bệ, Bình Giã, Thân Nhân Trung đều ùn ứ từ khoảng 7 đến 8h và 17 đến hơn 18h hằng ngày, do lượng xe từ cầu vượt HHT-CH đổ xuống xung đột với các điểm giao nhau. Tại giao lộ Cộng Hòa - Ngô Bệ, dù các cơ quan chức năng đã điều chỉnh thời gian lên một phút cho mỗi lần đèn xanh nhưng vẫn không đủ để thoát hết dòng xe đang dồn về từ cầu vượt. Tương tự, cách đó hơn 1km, tại cầu vượt CH-HVT, các tuyến đường như Đồng Khởi, Út Tịch hay Thăng Long cũng thường xuyên ùn ứ nghiêm trọng trong giờ cao điểm.

Ông Lê Phi Hùng (ngụ đường Trần Quốc Hoàn, quận Tân Bình) phản ánh, nếu như trước kia đường Trần Quốc Hoàn thông thoáng thì nay kẹt xe kéo dài đến tận giao lộ. "Ngoài nguyên nhân do làn đường quá nhỏ thì cũng phải kể đến hai trụ cầu vượt chắn trước mặt khiến kẹt xe nghiêm trọng hơn", ông Hùng cho hay. Cũng theo phản ánh của một số người dân trên đường Thăng Long, cứ vào giờ cao điểm, dòng người đổ ra từ đường này đã gặp ngay lưu lượng xe dồn tới từ các đường Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Lê Văn Sỹ khiến khu vực trên không khác gì mạng nhện, trong khi cầu vượt bằng thép ở trên cao lại chỉ có một nhánh song song đường Cộng Hòa nên không giải quyết được ùn tắc ở nút giao thông này.

Cần đánh giá lại

Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1, Sở GTVT thành phố) thừa nhận, kể từ khi thông xe hai cầu vượt trên, do lượng phương tiện dồn về đông hơn trước (chủ yếu do đường Trường Chinh dồn vào) khiến cho các tuyến đường giao Cộng Hòa bị ùn ứ. Để khắc phục điều này, vài ngày tới, Khu 1 sẽ tiến hành phương án phân luồng nhiều tuyến đường giao với đường Cộng Hòa và các tuyến đường gần hai cầu vượt trên. Cụ thể, tại các tuyến đường như Trần Quốc Hoàn, Núi Thành, Ấp Bắc và Quách Văn Tuấn… sẽ phân thành một chiều nhằm giải quyết dứt điểm các xe đối đầu nhau. Đồng thời, điều chỉnh các biển báo, đèn tín hiệu cho phù hợp. Tuy nhiên về lâu dài, Khu 1 đang trình Sở GTVT phương án xây dựng các nút giao đồng mức, các vòng xuyến và mở rộng các tuyến đường như Trường Chinh, Âu Cơ, Tân Kỳ Tân Quý… để việc lưu thông được thuận lợi hơn.

Trước thực trạng trên, Thạc sỹ Phạm Sanh, nguyên giảng viên Trường ĐH GTVT thành phố phân tích, tuyến đường Cộng Hòa tuy ngắn nhưng nằm trên một trong những trục đường chính xuyên tâm quan trọng của thành phố. Tuyến đường còn mang chức năng trục đường gom và thu hút một lưu lượng giao thông khá lớn từ các đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trường Sa, Hoàng Sa, Trường Chinh... Điều này cũng giải thích vì sao đường Cộng Hòa có khá nhiều ngã ba luôn nghẹt xe như Út Tịch, Quách Văn Tuấn, Bình Giã, Ngô Bệ, Tân Kỳ Tân Quý...

Trước việc xây cầu vượt tránh nghẽn nhưng lại gây tắc mới, ông Sanh thẳng thắn cho rằng, căn nguyên là khi đưa vào xây dựng hệ thống cầu vượt, các đơn vị quy hoạch và thi công đã không tính toán được bài toán tổng quan và lâu dài đối với trục giao thông quan trọng bậc nhất của thành phố trong khi suất đầu tư các công trình cầu vượt bằng thép này không nhỏ hơn chi phí làm công trình vĩnh cửu. "Đã đến lúc cần so sánh làm cầu vượt hay chỉ cần giải tỏa mở rộng tầm nhìn kết hợp với các biện pháp tổ chức lại giao thông? Theo tôi phải đánh giá lại cả thành công lẫn thất bại từng công trình cầu vượt tạm bằng thép để có các giải pháp khắc phục và rút kinh nghiệm cho những công trình sẽ làm trong tương lai", Thạc sỹ Phạm Sanh kiến nghị.

Gia Bảo