Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa: Cách nào cho hiệu quả?
Văn hóa - Ngày đăng : 06:17, 23/10/2013
Đình làng Vạn Phúc (Hà Đông) mới được trùng tu, tôn tạo khang trang. Ảnh: Bá Hoạt |
Cái tâm với di sản
Theo thống kê của ngành văn hóa, cùng với nguồn ngân sách, mỗi năm các tổ chức, cá nhân đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Thủ đô. Nhờ đó, rất nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng hoặc đã thành phế tích, hoang tàn được tu bổ, phục dựng. Điển hình như việc xây dựng Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân ở xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) vào năm 2009. Xót xa trước cảnh đìu hiu, cô quạnh tại khu mộ hoàng hậu và hai con ở bãi Cây Đại, làng Phù Ninh xưa, Hội DSVH Thăng Long Hà Nội đã đứng ra vận động quyên góp, phục dựng di tích. Với nguồn kinh phí gần 15 tỷ đồng (chủ yếu từ nguồn XHH), khu mộ tại bãi Cây Đại đã được tu bổ xứng tầm. Đền thờ hoàng hậu được xây mới trên diện tích 1.100m2, cách khu mộ gần 200m theo kiến trúc truyền thống… Cũng ở Gia Lâm, tượng đài Hoàng thái hậu Ỷ Lan uy nghi, gần gũi, tỏa sáng tinh thần "Phật tọa an dân" được dựng lên trong khuôn viên cụm di tích quốc gia đền, chùa Bà Tấm, xã Dương Xá với kinh phí 22 tỷ đồng phần lớn do các tổ chức, cá nhân đóng góp.
Tương tự, đến tham quan làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) hôm nay, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi thấy hệ thống đình, đền, chùa, miếu mới được trùng tu, tôn tạo khang trang, song vẫn giữ được những nét kiến trúc đặc trưng của vùng đồng quê Bắc bộ rất hài hòa với cảnh quan hiện tại. Được biết, cùng với nguồn kinh phí quận Hà Đông cấp, nhân dân đã phát tâm công đức khoảng 40 tỷ đồng để tu bổ các công trình này. Tại quận Đống Đa, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (GELEXIMCO) đã và đang đầu tư hàng chục tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích gò Đống Đa (quận Đống Đa) nhằm xây dựng điểm di tích thành không gian văn hóa linh thiêng.
Sử dụng thế nào?
Những ví dụ cụ thể trên đã phần nào khẳng định, sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân có tác dụng tích cực đối với công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn Thủ đô. Song việc sử dụng nguồn lực này như thế nào để mang lại hiệu quả xã hội cao nhất là vấn đề không thể không quan tâm. Ngoài bài học cần rút kinh nghiệm từ vụ việc chùa Trăm Gian (Chương Mỹ), trong nhiều cuộc hội thảo, các nhà nghiên cứu văn hóa luôn bày tỏ thái độ bất bình trước việc người dân công đức hiện vật không ăn nhập gì với đối tượng thờ tự, không gian di tích, còn các nhà quản lý văn hóa cũng đang "đau đầu" tìm hướng khai thác, tiếp nhận nguồn lực này sao cho vừa hợp lòng dân, vừa tuân thủ các quy định hiện hành.
Được đánh giá là địa phương khai thác, phát huy tương đối hiệu quả nguồn lực XHH, Trưởng phòng VH-TT huyện Mê Linh Phan Văn Luật chia sẻ: "Thành viên ban quản lý các di tích là những người nắm rõ nhất cá nhân, doanh nghiệp nào ở địa phương có khả năng phát tâm công đức để gửi giấy mời. Đối với những doanh nghiệp lớn, huyện sẽ phối hợp cùng địa phương vận động, thuyết phục. Bằng cách này, từ năm 2008 đến nay, Mê Linh thu hút được hơn 100 tỷ đồng XHH (bằng hơn 70% tổng kinh phí tu bổ di tích)". Cũng theo ông Phan Văn Luật, những di tích sử dụng phần lớn kinh phí XHH để tu bổ ở Mê Linh như: Chùa Xa Mạc (xã Liên Mạc), đình Yên Bài (xã Tự Lập), đình Yên Giáp (xã Tiến Thịnh)… vẫn tuân thủ nghiêm theo quy định chung. Người phát tâm công đức dù lớn đến đâu nhưng có yêu cầu riêng đối với di tích, huyện đều không nhận.
Đồng quan điểm trên, Trưởng phòng VH-TT quận Đống Đa Nguyễn Trọng Hải cho biết: Cái khó trong việc sử dụng kinh phí XHH trùng tu di tích là chủ đầu tư thuộc về các cơ quan có thẩm quyền, trong khi người huy động thường là một tổ chức, cá nhân, cũng có thể là sư trụ trì, cho nên nếu không tìm được "tiếng nói" chung giữa các bên thì dự án rất khó được triển khai. Mặt khác, người dân thường phát tâm công đức khi công trình đang thi công nên các cơ quan chức năng khó dự toán chính xác nguồn vốn để lập phương án tu bổ, tôn tạo. Từ thực tế này, trước khi tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn XHH, quận Đống Đa ký cam kết với sư trụ trì hoặc người trông coi di tích để chắc chắn rằng nguồn vốn sẽ được huy động. Trong quá trình thi công, quận phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát toàn diện để công trình được hoàn thiện đúng thiết kế chứ không phải theo mong muốn chủ quan của tổ chức, cá nhân nào.
Như vậy, di tích được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị bằng nguồn ngân sách hay XHH vẫn cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật hiện hành. Sự đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị DSVH là một trong những cách giữ gìn khối "tài sản" quý giá mà cha ông để lại.