Mỹ bị cáo buộc nghe lén công dân Pháp: Cú sốc tháng 10

Thế giới - Ngày đăng : 06:08, 23/10/2013

(HNM) - 4 tháng sau khi cựu nhân viên Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ thông tin động trời về chương trình do thám trên mạng của Mỹ nhắm tới hàng chục quốc gia trong nhiều năm qua, cơn bão mang tên

Chương trình nghe lén của NSA đang là tâm điểm gây tranh cãi giữa Mỹ và nhiều nước đồng minh.


Mới đây nhất là căng thẳng giữa Mỹ với người bạn Pháp khi thời báo hàng đầu nước này Le Monde đăng tải thông tin cho rằng, 70,3 triệu đoạn dữ liệu điện thoại của công dân Pháp đã bị Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) ghi lại trong khoảng thời gian từ ngày 10-12-2012 đến ngày 8-1-2013. Các tài liệu được "người thổi còi" E.Snowden cung cấp cho Le Monde cũng chứng minh NSA không chỉ quan tâm đến các đối tượng tình nghi có quan hệ với các thành phần khủng bố, mà còn chú ý đến cả các cá nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh, chính trị, hoặc viên chức chính quyền Pháp. Một đồ thị do chính NSA thiết lập cho thấy cơ quan an ninh của Mỹ đã ngăn chặn trung bình 3 triệu dữ liệu mỗi ngày và đỉnh điểm là gần 7 triệu/ngày từ các giao dịch thông tin của công dân Pháp.

Ngay lập tức những tín hiệu căng thẳng ngoại giao đã liên tục được phát đi từ phía Pháp. Trong lúc Thủ tướng Jean-Marc Ayrault và Bộ trưởng Nội vụ Manuel Valls bày tỏ cú sốc nặng trước hành động "hoàn toàn không thể chấp nhận được", ngày 21-10, Ngoại trưởng Laurent Fabius đã đích thân thông báo quyết định triệu Đại sứ Mỹ đến Bộ Ngoại giao Pháp để phản đối. Paris cũng đang yêu cầu Washington đưa ra lời giải thích rõ ràng về thông tin trên trong thời gian sớm nhất và yêu cầu Mỹ phải đình chỉ ngay lập tức các hành vi do thám đời tư cá nhân công dân Pháp. Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Francois Hollande không ngần ngại chỉ trích hành động mà phía Pháp cho rằng "không thể chấp nhận được giữa những người bạn và đồng minh, vì đã xâm phạm quyền riêng tư của công dân Pháp".

Tiết lộ gây chấn động cùng với những phản ứng khá gay gắt từ nhà chức trách ở đất nước hình Lục lăng hiện đang phủ bóng lên chuyến công du Châu Âu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Đây là nỗ lực của Mỹ nhằm vận động sự ủng hộ quốc tế cho việc tìm giải pháp với cuộc nội chiến kéo dài tại Syria, cũng như tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine từ ngày 21 đến 24-10 mà điểm dừng chân đầu tiên là Paris.

Trên thực tế, ngay từ cuối tháng 6, quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với nhiều nước Châu Âu đã có dấu hiệu "hục hặc" khi bản danh sách liệt kê 38 cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Mỹ bị Lầu năm góc đưa vào mục tiêu giám sát được công bố. Theo đó, không chỉ các đối thủ của Mỹ theo kiểu "thời kỳ chiến tranh Lạnh" mà còn có cả những đồng minh trong Liên minh Châu Âu (EU) cùng với các đại sứ quán Pháp, Italia, Hy Lạp, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Đông đang nằm dưới sự giám sát của an ninh Mỹ. Việc thu thập dữ liệu được thực hiện qua cấy ghép, hoặc cài lỗi đặt bên trong các thiết bị điện tử, hay thực hiện sao chép bí mật trên ổ cứng của máy tính bị do thám. Các hoạt động theo dõi đối với hàng chục đại sứ quán và các hoạt động bí mật khác tại Mỹ được đặt dưới các tên mã khác nhau. Chẳng hạn, hoạt động theo dõi văn phòng EU tại Liên hợp quốc được đặt tên mã là "Perdido". Tên mã "Blackfoot" được sử dụng trong một hoạt động chống lại các nhiệm vụ của Pháp tại Liên hợp quốc và tên mã "Wabash" dùng để theo dõi các hoạt động của đại sứ quán Pháp ở Washington. Đại sứ quán Italia tại Washington cũng đã được coi là mục tiêu và có tên mã là "Bruneau" và "Hemlock".

Trong lúc bức xúc của nhiều nước Châu Âu vẫn chưa được xoa dịu sau "cú sốc tháng 6" thì thông tin Mỹ tiến hành nghe lén các mục tiêu cá nhân ở Pháp có thể lại "bồi đắp" thêm sự nghi kỵ trong mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. "Cú sốc tháng 10" thực sự là nguy cơ lớn đối với hàng loạt tập đoàn công nghệ của Mỹ đang làm ăn tại thị trường Cựu lục địa khi mối ngờ vực của người dân vào các nhà cung cấp dịch vụ mạng của Mỹ gia tăng. Có thể hậu quả của việc đánh mất lòng tin khách hàng sẽ đồng nghĩa với sự "bốc hơi" của hàng tỷ USD như các quan chức Ủy ban Châu Âu đã cảnh báo.

AP ngày 22-10 cho biết, nước Mỹ có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao trên diện rộng sau khi Glenn Greenwald, cựu phóng viên tờ Guardian (Người bảo vệ), vừa tiết lộ thêm tất cả các quốc gia Mỹ Latin đều bị hệ thống tình báo Mỹ giám sát. Thông tin này được đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi Chính phủ Pháp tuyên bố đòi Mỹ phải giải thích sau khi báo Le Monde đưa tin, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén hàng chục triệu cuộc điện thoại ở nước này. Thông tin mới nhất này được Greenwald công bố tại hội nghị lần thứ 69 của Hiệp hội Báo chí liên Mỹ (IAPA) diễn ra tại Denver, bang Colorado (Mỹ). Greenwald cam kết ông sẽ tiết lộ từng trường hợp nằm trong danh sách theo dõi của tình báo Mỹ; đồng thời nhấn mạnh vì lợi ích của công chúng ông sẽ cho đăng tải từng tài liệu mà cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden đã cung cấp.

Tuấn Minh

Quỳnh Chi