Quản lý vùng đất, bãi chứa vật liệu xây dựng: Sai phạm còn... tiếp diễn
Đời sống - Ngày đăng : 06:07, 23/10/2013
Tình trạng chất, chứa VLXD trái phép trên bờ bãi sông Đuống tại huyện Gia Lâm cần được xử lý nghiêm. Ảnh: Hoài Thu |
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có 154 bãi chứa, bãi trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) nằm dọc các tuyến sông Hồng, sông Đuống, sông Công, sông Đáy, sông Đà, sông Cà Lồ thuộc địa bàn 79 xã, phường của 21 quận, huyện. Riêng tuyến sông Hồng có 115 bãi chứa, sông Đuống 30 bãi chứa sử dụng đất ven sông làm bãi trung chuyển VLXD. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong số các bãi chứa trên, có 40 bãi chứa có nguồn gốc đất được giao, cho thuê theo thẩm quyền, 78 bãi chứa có nguồn gốc hình thành từ hợp đồng thuê thầu với UBND cấp xã, phường, HTX nông nghiệp, dịch vụ hoặc tổ chức, đoàn thể. Số còn lại hình thành trên đất ở, đất nông nghiệp được giao hoặc chuyển nhượng trái phép của các hộ dân.
Mới đây, cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra 51 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại các huyện Đông Anh, Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên, thị xã Sơn Tây và hai quận Long Biên và Hoàng Mai, phát hiện nhiều đơn vị, cá nhân khai thác, kinh doanh, trung chuyển VLXD chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật. Qua sàng lọc, chỉ có 9 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện với diện tích gần 140.000m2, chiếm 24,8% tổng diện tích bãi chứa được kiểm tra; 37 tổ chức, cá nhân sử dụng đất ký hợp đồng với UBND cấp xã, HTX nông nghiệp, dịch vụ hoặc với tổ chức, đoàn thể, tổng diện tích gần 350.000m2, chiếm 61,9% tổng diện tích bãi chứa được kiểm tra; 9 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được giao, đất ở hoặc tự chuyển nhượng, thuê đất sản xuất nông nghiệp để làm bãi chứa với diện tích hơn 75.000m2, chiếm 13,3% tổng diện tích kiểm tra. Điều đáng nói, nhiều hợp đồng ký kết trái phép giữa tổ chức, hộ gia đình, cá nhân với chính quyền các địa phương sau khi phát hiện đã được hủy bỏ nhưng khi kiểm tra vẫn đang chất VLXD cao như núi. Chưa hết, qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 32 bãi chứa cát đen, chiếm 63% tổng số bãi chứa được kiểm tra với khối lượng gần 82.000m3 không rõ nguồn gốc, chỉ có 12 bãi chứa có cam kết bảo vệ môi trường, tuy nhiên lại không có đơn vị nào thực hiện quan trắc định kỳ theo cam kết.
Theo quy định, thẩm quyền xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường, tài nguyên, khoáng sản trước hết thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện. Tuy nhiên, công tác kiểm tra xử lý vi phạm của các địa phương chưa thực hiện thường xuyên và thiếu kiên quyết, dẫn tới tình trạng 82% số đơn vị và 75% diện tích của 51 đơn vị sử dụng đất ven sông là trái phép. Một điều đáng chú ý nữa là nhiều đơn vị không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất hoặc sử dụng đất sai mục đích vẫn được Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa và bãi chứa, trung chuyển VLXD, đã tiếp tay cho vi phạm và khiến công tác xử lý gặp nhiều khó khăn.
Trước hàng loạt vi phạm liên quan đến quản lý đất bãi ven sông, UBND TP đã yêu cầu các huyện Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đan Phượng, Thường Tín, Ba Vì và hai quận Long Biên, Hoàng Mai chỉ đạo các xã, phường hủy bỏ 30 hợp đồng cho thuê đất kinh doanh trung chuyển VLXD trái luật; có kế hoạch và tổ chức thực hiện giải tỏa cát đen không rõ nguồn gốc tại 26 bãi chứa xong trước ngày 15-9-2013, đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm của lãnh đạo địa phương để xảy ra tình trạng sử dụng đất làm bãi chứa sai mục đích kéo dài hoặc còn để tồn tại hợp đồng cho thuê đất làm bãi chứa trái thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn chót hơn một tháng nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường mới nhận được báo cáo của 3 địa phương. Song qua báo cáo cũng cho thấy, các địa phương mới dừng ở việc chỉ đạo thanh lý hủy bỏ các hợp đồng cho thuê thầu trái luật và giải tỏa một số bãi chứa VLXD mà chưa xử lý trách nhiệm đối với cán bộ để xảy ra sai phạm. Rõ ràng, sự thiếu quyết liệt trong công tác quản lý nêu trên khiến việc chấn chỉnh quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chưa hiệu quả, UBND TP cần áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn cũng như quy rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân để xảy ra sai phạm mới mong siết chặt được việc quản lý trong công tác này hiện nay.