Cần có sự vào cuộc tương xứng
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:31, 23/10/2013
Nguyên nhân là do thời gian qua tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm, trong khi đó, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý bộc lộ nhiều hạn chế. Ngay trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, tiếp xúc với cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, đây là vấn đề nhức nhối, bức xúc, từ lâu đã được coi là quốc nạn, là giặc nội xâm. Cùng về vấn đề này, tại kỳ họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: Có tham nhũng trong chính các cơ quan đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không? Ngay trong báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc cũng đánh giá: Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hiệu quả chưa cao. Xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm…
Với một vấn đề có tác động, ảnh hưởng lớn tới xã hội như vậy, đánh giá trong Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 do Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ sáu đang diễn ra là hoạt động điều tra, xử lý hành vi tham nhũng có tiến bộ, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được kết quả trên một số mặt… dường như chưa thỏa mãn đòi hỏi của các đại biểu Quốc hội và dư luận. Lý do là tại một số bộ, ngành, địa phương tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán, nhất là đối với các DN nhà nước, DN công ích, tổng công ty, các tập đoàn kinh tế nhưng lại không phát hiện được tiêu cực, tham nhũng; tuy nhiên, sau đó báo chí, cơ quan điều tra lại phát hiện ra những trường hợp, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như Vinashines, Vinalines. Vậy nên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đặt ra vấn đề trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc bỏ lọt các vụ việc sai phạm lớn. Ở một khía cạnh khác, không lẽ trong một năm, các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp trong phòng chống tham nhũng mà nhiều điểm yếu cần khắc phục vẫn tương đồng với báo cáo của năm 2012? Phải chăng vì vậy nên dù có bước chuyển trong công tác này, nhưng kết quả thu được vẫn rất hạn chế. Lấy ví dụ cụ thể, thời gian qua TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ, 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2% (năm 2012 tỷ lệ này là 44,1%); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2% (năm 2012 tỷ lệ này là 34,2%)…
Như vậy việc các đại biểu Quốc hội và dư luận bức xúc không phải không có nguyên do. Theo cung cấp của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2012 và bảng xếp hạng chỉ số cho 183 nước trên thế giới. Căn cứ vào bảng xếp hạng CPI này, Việt Nam đứng thứ 123 trong số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ, tụt 11 bậc so với năm 2011 (Chỉ số CPI năm 2013 chưa được công bố).
Phòng chống một căn bệnh đã được xác định là quốc nạn, là giặc nội xâm song xem ra những biện pháp đã được triển khai của chúng ta còn nặng về hình thức; việc hoàn thiện các thể chế còn chậm; tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng còn bất cập; việc xử lý có biểu hiện nương nhẹ, nhiều vụ việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả rất thấp…
Chỉ khi giải quyết được những vấn đề trên chúng ta mới có thể tạo được bước chuyển có tính đột phá trong công tác này, để tham nhũng, tiêu cực không còn điều kiện hoành hành, ảnh hưởng tới quá trình phát triển của đất nước.