Đa số ý kiến góp ý tán thành giữ tên nước như hiện nay

Chính trị - Ngày đăng : 07:58, 22/10/2013

(HNMO) – Hôm nay, 22/10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII mở đầu bằng việc Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).


Báo cáo do Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày.

Theo báo cáo, các ý kiến đóng góp cơ bản tán thành bố cục và nội dung của dự thảo, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo.

Trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội, xin ý kiến các cấp, ngành, địa phương, các nhà chuyên môn, đóng góp của nhân dân…, dự thảo Hiến pháp sửa đổi mới được trình Quốc hội kỳ này gồm 11 chương, 120 điều, giảm 4 điều so với dự thảo cũ. Dự thảo lần này đã được chỉnh lý hợp lý.

Về chế độ chính trị, về tên nước, qua tổng hợp, đa số ý kiến tán thành giữ tên nước như hiện nay, nhưng vẫn có ý kiến đề nghị lấy tên nước là Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Ủy ban dự thảo sửa đổi nhận thấy, việc giữ tên như hiện tại là cần thiết, thể hiện nhất quán con đường mà Đảng và nhân dân ta đã chọn và hướng tới, bảo đảm tính ổn định nên đề nghị nên giữ nguyên tên nước.

Về bản chất nhà nước, dự thảo Hiến pháp mới được chỉnh lý theo hướng quy định, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nền tảng là liên minh giữa giai cấp công dân, nông dân và đội ngũ trí thức. Hiến pháp mới cũng tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng.

Về hình thức dân chủ, dự thảo Hiến pháp mới quy định theo hướng nhân dân thực hiện quyền lực thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.

Về quyền con người, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, các quy định trong dự thảo Hiến pháp mới đã thể hiện được tầm quan trọng của quyền con người, đảm bảo các quyền con người và có nhiều điểm mới, tiến bộ, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, phù hợp với thực tiễn nước ta. Theo đó, ở nước ta, các quyền con người, quyền công dân trên các lĩnh vực được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo hiến pháp và pháp luật.

Về việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, dự thảo mới quy định, các quyền này chỉ có thể bị hạn chế trong những trường hợp thật cần thiết. vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng…

Để người Việt Nam ở nước ngoài yên tâm về nước, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, dự thảo Hiến pháp mới quy định tạo điều kiện cho người Việt Nam được định cư ở nước ngoài.

Về bình đẳng và bình đẳng giới, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và chỉnh lý nội dung này trong Hiến pháp theo hướng công dân nam, nữ có quyền ngang nhau về mọi mặt, bảo đảm cơ hội bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển mọi mặt, nghiêm cấm phân biệt giới.

Về các thành phần kinh tế, qua thảo luận có 3 phương án: (1) nêu rõ từng thành phần kinh tế và quy định rõ từng thành phần; (2) quy định khái quát 3 thành phần nhưng thể hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; (3) quy định khái quát 3 thành phần kinh tế. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH, kinh tế nhà nước là rất quan trọng, thể hiện hạ tầng kinh tế của nước ta, do đó, dự thảo Hiến pháp nên quy định, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Về quy định thu hồi đất, theo Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng nên cần phải quy định chặt những trường hợp thu hồi đất trong hiến pháp, làm cơ sở để ban hành Luật Đất đai và thực hiện các quy định liên quan đến đất đai trong thực tế, tránh việc lạm dụng luật để thu hồi đất. Việc thu hồi đất để thực hiện các dự án công ích, kinh tế, xã hội là cần thiết. Do đó, dự thảo Hiến pháp nên quy định việc thu hồi đất chỉ thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh, công cộng, phát triển kinh tế, xã hội, nhưng phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật.

Tiếp sau báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Đáng chú ý, tờ trình đề nghị xác định thời điểm Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực là từ ngày được Chủ tịch nước công bố, đồng thời khẳng định, tất cả các cơ quan nhà nước có liên quan được điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn… vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi có các cơ quan nhà nước tương ứng. Những vụ việc đang được xử lý theo quy định của Hiến pháp cũ thì phải chuyển giao cho cơ quan nhà nước đó tiếp tục giải quyết.

Những quy định không phù hợp với Hiến pháp mới cũng phải được sửa đổi cho phù hợp và những bộ luật quan trọng phải được ban hành trước năm 2016.

Vân An