Vượt qua nỗi đau da cam
Trái tim nhân ái - Ngày đăng : 06:51, 22/10/2013
Dạy chữ cho trẻ nhiễm chất độc da cam tại làng Hòa Bình (quận Thanh Xuân, Hà Nội). |
Cựu thanh niên xung phong Phùng Thị Vượng (ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội) có con trai mắc bệnh ung thư, hai đứa cháu nội bại não, teo cơ delta do di chứng của CĐDC. Nỗi đau đè nặng lên vai, những tưởng bà không thể vượt qua, nhưng với sự chung tay, giúp sức của những tấm lòng hảo tâm, bà được tiếp thêm nghị lực sống, có thêm tiền mua thuốc chữa bệnh cho con, cháu. "Hai đứa cháu khi mới chào đời đã không được bình thường, người cứ mềm oặt, cổ nghẹo sang một bên. Khi ấy, tôi không biết điều gì xảy ra nên đưa các cháu chạy chữa khắp nơi mà bệnh tình không thuyên giảm. Mãi sau này, tôi mới biết các cháu bị nhiễm CĐDC. Nhà có 6 miệng ăn chỉ trông vào 3 sào ruộng khoán, con và các cháu lại bệnh tật nên kinh tế luôn trong cảnh túng bấn. Nếu không có sự giúp đỡ của mọi người, có lẽ tôi không thể gắng gượng nổi" - bà Vượng tâm sự.
Chung nỗi đau CĐDC như gia đình bà Phùng Thị Vượng, nhiều gia đình nạn nhân CĐDC sau khi nhận được sự hỗ trợ đã không còn mặc cảm, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Ông Nguyễn Đăng Điềm, sinh năm 1945, ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín (Hà Nội) có hai người con thì cả hai đều bị nhiễm CĐDC. Người thì bị khiếm thị, khiếm thính, người thì suy dinh dưỡng, còi xương. Nén nỗi đau trong lòng, ông cố làm lụng mong có đủ tiền mua thuốc chữa bệnh cho con. Từ ngày nhận được khoản tiền trợ cấp hằng tháng 3 triệu đồng dành cho nạn nhân CĐDC, ông đã phần nào bớt vất vả hơn. Ông bảo, nếu không có khoản trợ cấp và sự trợ giúp của mọi người, ông không biết sẽ xoay xở như thế nào để chăm sóc các con...
Anh Chu Quang Đức, sinh năm 1984, cũng là nạn nhân CĐDC ở xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ngay từ khi chào đời, cơ thể anh đã không được bình thường, chân tay ngắn và co quắp. Nhờ sự hỗ trợ của mọi người, với ý chí và nghị lực, anh đã vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, gạt bỏ mặc cảm để vươn lên. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 2, anh được một trường học của huyện Mê Linh nhận vào làm giáo viên dạy tin học. Năm 2010, anh được phân công dạy lớp 5 và từ đó đến nay vẫn đều đặn lên lớp truyền đạt kiến thức cho học sinh, thổi vào tâm hồn trong sáng của các em nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Trước những nỗi đau quá lớn mà các nạn nhân CĐDC phải gánh chịu, trong những năm qua thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động nhân đạo hỗ trợ, trợ giúp các nạn nhân cả về vật chất lẫn tinh thần như: thăm hỏi, tặng quà những ngày lễ tết, hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ sửa chữa và xây dựng mới nhà ở, cấp xe lăn, xe lắc, phương tiện sản xuất, khám chữa bệnh miễn phí… Không dừng lại ở đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 178/KH-UBND khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Cùng với thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, đơn vị cũng đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ được hàng nghìn lượt nạn nhân CĐDC.
Ông Nguyễn Sỹ Thúy, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Hà Nội cho hay, từ khi được thành lập đến nay, Hội đã vận động nhiều tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm ủng hộ quỹ hội hơn 25 tỷ đồng. Từ nguồn tiền vận động, Hội tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho hơn 44.500 lượt nạn nhân; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 200 hộ gia đình nạn nhân; tặng 300 xe lăn, xe đạp cho 300 người; cấp vốn sản xuất cho 400 hộ gia đình; trao sổ tiết kiệm, học bổng cho 500 lượt nạn nhân; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 25.000 lượt nạn nhân. "Trước kia, cuộc sống của nhiều gia đình nạn nhân CĐDC trên địa bàn thành phố lâm vào cảnh bế tắc, vì họ không còn khả năng tự lao động kiếm sống. Bệnh tật hành hạ, cuộc sống vật chất thiếu thốn, khiến nỗi đau của nạn nhân CĐDC càng lớn hơn. Nhưng với sự quan tâm của thành phố và các cấp, các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm, nhiều nạn nhân CĐDC đã được chia sẻ, giúp đỡ vượt qua nỗi đau" - ông Thúy nói.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ giải quyết cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với các nạn nhân trên địa bàn thành phố; 100% người tham gia kháng chiến và con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công; các hộ gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp đời sống và bảo hiểm y tế; 100% thai phụ của nạn nhân chất độc hóa học được quản lý thai nghén... |