Vùng than hôm nay
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:15, 22/10/2013
Phường Hà Lầm, TP Hạ Long, Quảng Ninh, giờ không còn dấu tích của những con đường đất lầy lội, quanh co dẫn lối vào mỏ than, cũng chẳng còn những xóm thợ nằm hiu hắt ven đường… mà chỉ thoáng nhìn qua đã thấy sự no ấm ít hiện diện nơi đây. Sau 50 năm, cùng sự thay đổi toàn diện của Quảng Ninh, địa danh Hà Lầm giờ đã đổi mới như bao phố phường khác của TP trẻ Hạ Long. Khu chợ xưa làm thuần tranh, tre liếp, giờ đã được xây dựng hiện đại. Con đường lầy lội xưa giờ đã thành phố khang trang với sự đổi mới của xóm thợ…
Cảng than Nam Cầu Trắng - Công ty Tuyển than Hòn Gai. |
Ngôi nhà số 25, khu 6, phường Hà Lầm, nằm khiêm tốn trên con phố mới. Hỏi, ai cũng biết đó là nơi gia đình cụ Nguyễn Công Chiến (85 tuổi), một trong những người thợ mỏ cao tuổi nhất vùng mỏ Hà Lầm. Gia đình cụ là điển hình của gia đình thợ mỏ truyền thống trên đất Quảng Ninh khi cả hai thế hệ cha và con thay nhau nối nghề. Sau 1954, hòa bình lập lại, cụ Chiến - người lính từ miền quê Thái Bình về tiếp quản vùng mỏ Hà Lầm (lúc đó vẫn tên là mỏ Hòn Gai)… Tại đây, cụ gặp cụ bà Nguyễn Thị Hoan (năm nay 75 tuổi), người cùng quê, tình nguyện lên làm công nhân mỏ. Cũng như bao cặp vợ chồng đất mỏ khác, mối lương duyên đồng hương, lại cùng chung một "chiến hào" chiến đấu và sản xuất đã gắn kết hai cụ cùng ở lại và xây dựng quê hương thứ hai. Sau này, cả 6 người con của hai cụ đều là những cán bộ, công nhân mỏ Hà Lầm. Dù là những người tiên phong nhưng hai cụ vẫn khiêm tốn nhận là những người thế hệ thứ 3 làm chủ vùng mỏ anh hùng. Bởi trước đó, Hà Lầm là một trong những mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Nhân dân Hà Lầm có truyền thống đoàn kết, anh dũng kiên cường. Điều đó đã được chứng minh bằng danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng cho Hà Lầm "Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Pháp".
Tuy điều kiện phát triển còn chưa bằng những đơn vị hành chính khác của TP Hạ Long, song giữ vững truyền thống anh hùng cách mạng, nhân dân phường Hà Lầm đã không ngừng cố gắng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách. Những thế hệ thợ mỏ tiếp theo sau cụ Chiến, cụ Hoan đang tiếp tục viết nên trang sử vẻ vang của vùng đất mỏ. Gia đình cựu chiến binh Sư 308 Anh hùng, ông Trần Văn Phong, ở ngõ 15, Cao Thắng, phường Hà Lầm, đã sống cả đời thợ mỏ đầy thi vị, góp phần làm thay đổi diện mạo khu mỏ hôm nay. Theo lời ông Phong, năm 1976 khi giải ngũ, ông đã không về quê hương Hải Dương mà chọn vùng than làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Rồi người lính vừa trở về từ chiến trường đã gặp và yêu thương cô công nhân mỏ. Họ thành vợ chồng, sinh con đẻ cái và cùng mơ ước về những thế hệ sau này sẽ góp phần xây dựng quê hương thứ hai giàu mạnh. Đến nay, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khốn khó, nhưng ông Phong vẫn luôn tự hào khi kể về truyền thống gia đình hai thế hệ, bố mẹ và con trai cùng là người thợ mỏ. Con trai ông Phong, năm nay ngoài 30 tuổi, đang theo nghiệp thợ mỏ với niềm tự hào khôn tả.
Thuộc lứa công nhân trẻ của mỏ than Hà Lầm, anh Trọng Hoàng, quê Nam Định phấn khởi tâm sự, những lao động dù ký hợp đồng một năm như các anh vẫn được tạo điều kiện ở trong khu chung cư của mỏ với điều kiện sống tiện nghi. Đúng theo lời anh Hoàng, khu chung cư của công nhân mỏ than Hà Lầm nổi bật lên giữa tuyến phố dẫn vào khu mỏ khang trang và sạch sẽ như khách sạn. Khu nhà có cả thang máy để giảm tiện những khó khăn cho người lao động. Những khu nhà ở cho công nhân xây dựng hiện đại, tiện nghi như vậy đang là niềm tự hào của Quảng Ninh, thể hiện rõ nét nhất công tác chăm lo đời sống của người lao động. Và họ có thể tự hào rằng đây là "khách sạn công nhân"…
Nâng cao chất lượng sống người lao động
Từ Hà Lầm nhìn ra những khu mỏ khác, đều thấy đời sống công nhân đang thay đổi từng ngày theo hướng tích cực. Điều dễ nhìn thấy nhất ở tất cả các khu mỏ hôm nay là tất cả các khu vực công trường, nhà cửa đều được xây dựng kiên cố, phong quang và cây xanh tươi tốt. Ở khu vực công trường khai thác XN Than Thành Công, thuộc Công ty Than Hòn Gai, dẫu nằm lọt thỏm giữa ba bề là núi nhưng tại đây vẫn có một siêu thị mini với đầy đủ mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Gần 1.000 thợ mỏ và gia đình họ sinh sống ở đây được bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần tốt nhất. Anh Nguyễn Văn Dũng, quê ở Thái Bình, công nhân trẻ của xí nghiệp, cho biết: "Dù hoàn cảnh xa quê nhưng chúng tôi hoàn toàn yên tâm công tác khi được tạo điều kiện ăn ở và tiền lương phù hợp sức lao động tốt nhất". Theo bật mí của nhóm bạn, Dũng đã có người yêu cũng là công nhân mỏ quê ở Thanh Hóa và hai người đã có những dự định cùng nhau xây dựng tổ ấm trên quê hương đất mỏ như bao lớp cha anh khác.
Bí thư Đảng ủy XN Than Cao Thắng, Công ty Than Hòn Gai, ông Bùi Xuân Vững cho biết thêm: "Người lao động không thể yêu nghề nếu đói, cũng không thể làm việc tốt hơn nếu phải sống trong những ngôi nhà tồi tàn. Càng chẳng thể đòi ai hăng say nếu bản thân họ không vui. Và chúng tôi đang làm tất cả để mọi người ở đây đều có được niềm vui giản dị nhất". Theo ông Vững, những điều giản dị mà ngành than đem lại cho người lao động không hề to tát hơn ngoài việc công nghệ khai thác được nâng cấp, điều kiện làm việc, học tập cho người lao động được cải thiện; hoạt động văn hóa - thể thao, biểu diễn trở thành phong trào thường nhật và rộng khắp.
Ông Phạm Hồng Long, Giám đốc Công ty Than Hòn Gai cho biết, mỗi năm công ty dành khoản phúc lợi 20 tỷ đồng tổ chức cho thợ mỏ tham quan, du lịch trong và ngoài nước. Công ty đã xây xong khu chung cư cao tầng đầu tiên cho hàng trăm gia đình CBCNV và đang tiếp tục xúc tiến xây dựng 2 khu chung cư cao cấp mới, giải quyết dứt điểm cho 1.250 thợ mỏ có nhu cầu nhà ở.
Đi đâu trên khắp đất mỏ chúng tôi cũng gặp những khẩu hiệu: "Đồng đội là anh em một nhà"; "Tôi yêu Thành Công"; hoặc: "Lái xe chú ý, chim bồ câu đậu gầm xe"... nói lên quyết tâm của nhiều doanh nghiệp than khi cố gắng tạo nên những môi trường xanh thân thiện như chính không gian sống của gia đình. Đúng như nhận định của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh - ông Nguyễn Minh Hồng, từ những người dân bình thường cho đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ai cũng ý thức được mỗi việc làm nhỏ nhất đều góp phần xây dựng quê hương phát triển bền vững hôm nay chính là cho những thế hệ mai sau được thụ hưởng.
Tôi đã nhiều lần "ba cùng" với thợ mỏ. Những tốp thợ vừa từ lò ra, mặt mũi đen nhẻm nhưng luôn lấp lánh nụ cười. Quần áo bụi bẩn thay ra được công ty giặt bằng nước nóng, hấp sấy thơm lừng, để ca sau có quần áo sạch vào lò. Tắm có nước nóng. Mệt có đội ngũ bác sỹ chăm sóc sức khỏe kịp thời. Ăn thì tự chọn, tất nhiên không phải "cao lương mỹ vị", nhưng thịt rau tươi ngon, hoa quả đầy đủ, ăn no thì thôi. Xong có sữa tươi, cà phê nhâm nhi, cuối tuần có ca nhạc, "xi nê" mỏ có phim mới, thậm chí có mỏ xông xênh mỗi quý mời một đoàn nghệ thuật về diễn… Mà không phải chỉ một mỏ làm được như thế, cả vùng than này, nhiều mỏ làm được như thế. Và chính vì được chăm lo chu đáo, tốt nhất trong điều kiện có thể, nên dù thợ mỏ là nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhưng hầu hết mọi công nhân đều yên tâm gắn bó với công ty, nỗ lực đóng góp công sức để làm ra những viên "vàng đen" cho Tổ quốc thân yêu.