Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Tài chính - Ngày đăng : 07:00, 26/12/2022
Nhiều giải pháp cung ứng vốn
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức tín dụng, các ngân hàng thương mại đã triển khai giải ngân vốn, trong đó ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh. Với hạn mức tín dụng tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng, quy mô dư nợ hơn 1,2 triệu tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đang đẩy mạnh giải ngân để đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả cuối năm của doanh nghiệp.
Phó Tổng Giám đốc VietinBank Đỗ Thanh Sơn cho biết: “Sau khi nhận được chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi rà soát, thiết kế sản phẩm, cũng như trao đổi với doanh nghiệp để cung ứng sản phẩm phù hợp cho dịp Tết Nguyên đán cổ truyền và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp”.
Đồng hành với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong dịp cuối năm, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai các chương trình ưu đãi như giảm 50% phí dịch vụ tài trợ thương mại và chuyển tiền quốc tế trên ứng dụng ngân hàng số BIDV iBank… Thông qua chương trình ưu đãi, BIDV hỗ trợ giá phí sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp, qua đó góp phần đưa doanh số xuất, nhập khẩu tại BIDV tăng trưởng gần 27%. Chương trình thu hút hơn 1.500 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phát sinh giao dịch, trong đó có gần 1.300 khách hàng mới.
Thuộc tốp 3 nhà nhập khẩu than lớn nhất Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuận Hải Phạm Trần Đăng Quyến thông tin: “Doanh nghiệp đang sử dụng các dịch vụ tài trợ thương mại của Ngân hàng BIDV. Việc BIDV giảm các phí liên quan tới giao dịch tài trợ thương mại, gia tăng ưu đãi đối với các giao dịch ngoại tệ đã cho thấy sự đồng hành của ngân hàng với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hậu dịch Covid-19 và thời điểm đang nỗ lực phục hồi hiện nay”.
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Bên cạnh việc lên phương án cung ứng vốn sau khi được phân bổ thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay, các ngân hàng cũng chủ động tìm giải pháp để hỗ trợ, chia sẻ với khách hàng, với mức giảm lãi vay 1-3%/năm. Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Minh Trí cho hay: “Ngân hàng đang giảm 20% lãi suất trong tháng 12-2022 cho tất cả khách hàng. Chúng tôi sẵn sàng dùng nguồn lực của mình để hỗ trợ, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp. Vơi bớt khó khăn là điều kiện để doanh nghiệp tồn tại. Khi doanh nghiệp tồn tại thì chúng tôi tồn tại”.
Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank) giảm lãi suất cho vay 1,5-2,5%/năm nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đối với khách hàng cá nhân, ở một số gói sản phẩm cho vay trung và dài hạn, Nam A Bank giảm lãi suất 1,8-2,7%/năm; riêng với khoản vay ngắn hạn ở kỳ đầu tiên, ngân hàng giảm lãi 1,5%/năm. Bên cạnh đó, ngân hàng còn triển khai nhiều gói giải pháp tài chính linh hoạt cho khách hàng.
Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long (KienlongBank) cho biết, ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay 1-2%/năm đối với từng đối tượng cụ thể thông qua chương trình ưu đãi lãi suất với tổng hạn mức 2.000 tỷ đồng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… Trong đó, 500 tỷ đồng dành cho khách hàng trong các lĩnh vực ưu tiên, ký hợp đồng tín dụng mới, với lãi suất giảm 1-2%/năm cùng ưu đãi miễn phí trả nợ trước hạn. Đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng giảm 2% lãi suất, áp dụng cho vốn vay để mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, với tổng hạn mức lên tới 1.500 tỷ đồng.
Theo Tiến sĩ Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, nhu cầu tín dụng cuối năm thường tăng cao do tính mùa vụ, nhưng thống kê cho thấy, mức tăng trưởng cho vay thường chỉ từ 2 đến 2,2%, trong khi dư địa cho vay còn lại lên tới 3,5-4%, tức là lượng vốn các ngân hàng có thể cung ứng ra nền kinh tế khá dồi dào. “Các ngân hàng thương mại cũng đốt đuốc đi tìm doanh nghiệp tốt. Doanh nghiệp tốt thì không chỉ một, mà nhiều ngân hàng muốn cấp hạn mức tín dụng. Vốn tín dụng là không hề thiếu. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng như thế này, nguồn vốn được cung ứng là rất lớn”, Tiến sĩ Phạm Chí Quang nhấn mạnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, để cung cầu tín dụng gặp nhau, chất lượng khoản vay phải bảo đảm, do đó doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng hoạt động. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hướng vốn tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, trong đó 5 lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) vẫn được tiếp cận lãi suất ưu đãi ở mức 5,5%/năm.