Chi trả bảo hiểm thất nghiệp nên giao cấp quận, huyện

Chính trị - Ngày đăng : 16:13, 21/10/2013

(HNMO) – Chiều 21/10, Quốc hội thảo luận về một số ý kiến còn khác nhau về dự thảo Luật việc làm, hai nội dung được các đại biểu tập trung góp ý là việc cấp chứng chỉ hành nghề và việc thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp.


Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu, dự thảo luật mới chỉ tập trung quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về việc làm. Nguyên tắc về việc làm bảo đảm quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc của người lao động mà pháp luật không cấm; bình đẳng về cơ hội việc làm và thu nhập; bảo đảm làm việc trong điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Về bố cục và quy định cụ thể đối với các chính sách trong dự thảo Luật, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể các chính sách và chia thành 4 mục theo từng nhóm chính sách, trong đó, tập trung vào 3 nhóm chính sách về tín dụng ưu đãi tạo việc làm, chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn và chính sách việc làm công. Đồng thời, sửa đổi quy định về trung tâm dịch vụ việc làm cho phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động, xem xét việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với thực tiễn và quy định cụ thể hơn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

So với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 7 chương, 63 điều (dự thảo trình Quốc hội có 61 điều), trong đó có 32 điều liên quan đến các chính sách thị trường lao động chủ động (bao gồm các chính sách: hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề; tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm) và 19 điều về chính sách thị trường lao động thụ động (bảo hiểm thất nghiệp).

Về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, dự thảo Luật quy định tổ chức đánh giá kỹ năng nghề là tổ chức hoạt động có điều kiện, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia khi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, được thu phí theo quy định của pháp luật phí và lệ phí. Để đảm bảo tính khả thi và trách nhiệm quản lý nhà nước, Chính phủ cần quy hoạch mạng lưới tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, quy định cụ thể các điều kiện thành lập, thủ tục cấp phép cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Đồng thời, dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định để bảo đảm sự linh hoạt, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, chỉ mở rộng thêm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng đến dưới 12 tháng.



Đi vào các nội dung của dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình của UBTVQH, đánh giá sự tiếp thu nghiêm túc của UBTVQH, nhất là về nội hàm của khái niệm việc làm, việc đưa hệ thống các chính sách việc làm tương đối đầy đủ và thống nhất vào luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ thêm các chính sách, quy định hỗ trợ tạo việc làm, cho vay, hỗ trợ lãi suất, chuyển đổi nghề, khuyến khích các cơ sở tạo được nhiều việc làm, đặc biệt là những quy định do chính phủ hướng dẫn, chú ý các đối tượng đặc thù, người tàn tật, người đặc biệt khó khăn…

Ngoài những nội dung trên, hai nội dung được các đại biểu tập trung góp ý là việc cấp chứng chỉ hành nghề và việc thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp.

Liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề, các đại biểu Trịnh Thị Thu Phương (Bắc Kạn), Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắc Nông), Lưu Thành Công (Vĩnh Long), Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị, cần có quy định chặt chẽ về về việc thành lập, cấp giấy chứng nhận kỹ năng nghề, xây dựng và công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo quyền, trách nhiệm của người lao động trong nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp… Đồng thời, quan tâm thêm đến một đối tượng cần cấp chứng chỉ kỹ năng nghề là các nghệ nhân.

“Chúng ta không thể để tổ chức nào cũng được cấp chứng chỉ nghề, mà cần hướng tới có hệ thống tiêu chuẩn đánh giá và có tổ chức chuyên môn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ này”, đại biểu Lâm nói.

Về thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng, việc giao nhiệm vụ chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm cấp tỉnh là không nên.

“Bản thân trung tâm dịch vụ việc làm cấp tỉnh đã có quá nhiều nhiệm vụ, giờ lại ôm thêm việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ làm cồng kềnh bộ máy, phân tán. Chúng ta nên gắn việc chi trả với nơi người thất nghiệp đang cư trú, có thể là cấp huyện, như vậy là thuận lợi nhất cho người lao động”, đại biểu Châu đề xuất.

Quan điểm của đại biểu Châu nhận được sự đồng tình từ đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai). Theo đại biểu Tùng, việc này nên giao bảo hiểm xã hội cấp quận, huyện hoặc các trung tâm dịch vụ việc làm khác chi trả, trung tâm dịch vụ việc làm cấp tỉnh chỉ nên tập trung vào việc chính là làm dịch vụ mà thôi. Bởi nếu đảm đương thêm nhiệm vụ thì sẽ tạo “điểm nghẽn”, chứ không phải giúp việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp được nhanh hơn, tốt hơn. Chưa tính thực tế, nếu đảm nhận thêm việc này, có thể gây tăng bộ máy và tăng chi phí hoạt động cho trung tâm giới thiệu việc làm cấp tỉnh.

Một số đại biểu khác đề nghị thêm, cần có chế tài xử lý các vi phạm, tránh tình trạng doanh nghiệp và người lao động lợi dụng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo dự kiến, Luật việc làm sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 16/11 tới. 

H.Vân