Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh: Mới khá ở thành thị
Xã hội - Ngày đăng : 06:39, 21/10/2013
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến, một trong những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản thời gian qua là tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ đã giảm nhanh chóng: Năm 2001, cứ 100.000 trẻ sống thì có tới 233 bà mẹ tử vong. 10 năm sau, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 69/100.000 trẻ sống và Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2015 chỉ còn 58 bà mẹ tử vong/100.000 trẻ sống. Tuy nhiên, ngành y tế vẫn quan ngại khi tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi còn cao, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Cho trẻ uống Vitamin A định kỳ tại phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy). Ảnh: Khánh Nguyên |
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hằng năm, tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm tới 1/3 số tử vong chung ở trẻ. Thậm chí có tới 59% trẻ tử vong dưới 5 tuổi là trẻ sơ sinh và 3/4 trẻ tử vong dưới 1 tuổi thuộc diện trẻ sơ sinh. Đặc biệt, nguy cơ tử vong cao nhất là vào ngày đầu sau khi sinh, ước tính khoảng 25-45% trẻ sơ sinh tử vong trong ngày đầu lọt lòng mẹ. Theo các bác sĩ nhi khoa, có 3 nhóm trẻ sơ sinh có thể tử vong cao là nhóm trẻ có bệnh lý liên quan đến giai đoạn chu sinh, nhiễm trùng hô hấp (viêm phổi, viêm tiểu phế quản...) và dị tật bẩm sinh (teo thực quản bẩm sinh, viêm phúc mạc sơ sinh, sinh ngạt, sinh non, dị tật bẩm sinh đại tràng, teo ruột non, dị tật tim).
Dựa vào kết quả nghiên cứu về tử vong sơ sinh trong một năm tại Bệnh viện Nhi trung ương, bà Khu Thị Khánh Dung, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, nguyên nhân đứng đầu gây tử vong sơ sinh là ngạt, tiếp đến là nhiễm trùng sơ sinh, viêm phổi, các dị tật bẩm sinh và bệnh tật khác. Việc nghiên cứu trên 700 trường hợp sơ sinh tử vong trong năm qua cũng cho thấy, nếu được phát hiện bằng phương pháp sàng lọc trước sinh và sơ sinh từ sớm thì có thể dự phòng đến 24,8% số trường hợp tử vong có thể chăm sóc tốt hơn để tránh 48,9% tử vong. Đặc biệt, với bệnh tim mạch bẩm sinh, chỉ sàng lọc bằng biện pháp đơn giản đã có thể phát hiện 60% trường hợp để chuyển tuyến điều trị kịp thời, tránh nguy cơ đe dọa tính mạng trẻ.
Tiến tới bình đẳng trong chăm sóc y tế
Đánh giá cao những thành tựu trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản thời gian qua, nhưng các chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng, ở Việt Nam, vẫn xảy ra tình trạng chênh lệch về tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 1 tháng tuổi giữa các vùng miền. Đơn cử, tỷ lệ tử vong ở khu vực nông thôn, miền núi cao gấp 2 - 2,5 lần khu vực đồng bằng và thành thị. Sự chênh lệch này hệ quả của sự phát triển mất cân đối kinh tế - xã hội, văn hóa giáo dục và dịch vụ chăm sóc sức khỏe giữa các khu vực.
Các thành phố, với trình độ phát triển kinh tế cao, đã mang lại nguồn dinh dưỡng tốt, sức khỏe thể chất tốt, cung cấp đủ các loại vắc xin thông thường và người dân cũng biết cách chăm sóc sức khỏe. Các trung tâm chăm sóc sức khỏe có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại và đầy đủ. Mỗi khi trẻ ốm, đặc biệt với các căn bệnh nguy hiểm đều được chữa trị kịp thời, vì thế tỷ lệ tử vong thấp. Ngược lại, ở vùng sâu, vùng xa, do điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu phương tiện chăm sóc sức khỏe sinh sản nên các bà mẹ thậm chí không được tiếp cận những dịch vụ chăm sóc cơ bản như: khám thai, chăm sóc sau sinh, tiêm phòng, tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc và điều trị thường ngày…
Cố vấn Chương trình sức khỏe sinh sản, Chương trình Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam Wame Baravilala cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực hơn để khỏa lấp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền thông qua những chiến lược can thiệp để giảm tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh như: xóa bỏ rào cản về mặt địa lý và tài chính bằng việc nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cộng đồng, đồng thời tăng cường củng cố hệ thống y tế cơ sở, nhân rộng những mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản cần thiết cho các bà mẹ và trẻ em người dân tộc thiểu số ở các khu vực khó tiếp cận.