Nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 06:29, 21/10/2013

(HNM) - Từ năm 2007 đến nay, nền kinh tế Hà Nội phát triển hội nhập trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, với nhiều tình huống bất lợi, đời sống kinh tế trong nước trầm lắng.

Kết quả và những bất cập

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu, những năm qua, Hà Nội đã chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế và thu được những kết quả đáng ghi nhận.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Điện cơ Thống Nhất. Ảnh: Khánh Nguyên


Giai đoạn 2007-2012, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Hà Nội đạt 10,8%/năm, gấp 1,5 lần mức tăng chung của cả nước. Hà Nội cũng thường xuyên đóng góp 13% tổng GDP, hơn 13% tổng thu ngân sách, chiếm 13% tổng mức bán lẻ cả nước… Như vậy, phần lớn chỉ số vĩ mô đều xác định Hà Nội là trung tâm kinh tế hàng đầu, là đầu tàu kinh tế, giao thương hàng hóa cũng như có sức lan tỏa lớn, vượt trội đối với những địa phương khu vực phía Bắc. Đặc biệt, nhờ tăng cường hội nhập nên Thủ đô gặt hái nhiều kết quả trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với khoảng 22 tỷ USD đăng ký còn hiệu lực, trong đó đã giải ngân gần 50%. Cũng sau những năm hội nhập quốc tế, công nghiệp trên địa bàn đã chuyển dần sang định hướng phát triển có chọn lọc, tập trung vào một số ngành sản xuất có hàm lượng kỹ thuật - công nghệ cao, đưa ra sản phẩm đạt giá trị gia tăng cao. Đến nay, Hà Nội đã hình thành 53 sản phẩm công nghiệp chủ lực có thương hiệu uy tín. Hà Nội cũng từng bước đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng phục vụ phát triển KT-XH.

Tuy nhiên, khó khăn của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế trên địa bàn và làm cho một số hạn chế, điểm yếu của Hà Nội bộc lộ rõ hơn. Trước hết, do hội nhập nhanh và độ mở ngày càng rộng nên nền kinh tế đã "nhạy cảm" hơn, dễ bị tổn thương mỗi khi có sự thay đổi, diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới. Khả năng nắm bắt và xử lý tình huống của một bộ phận DN còn thấp, thiếu tính chủ động, nhất là yếu kém trong xây dựng thương hiệu hoặc tiếp thị sản phẩm, cập nhật quy định pháp lý trên thị trường xuất khẩu...

Cũng do ảnh hưởng từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu khiến mức cầu giảm trên diện rộng, gây khó khăn cho hàng xuất khẩu của Hà Nội. Từ đó, một số DN rơi vào cảnh lúng túng, tồn đọng sản phẩm. Trong 9 tháng, có khoảng 9.000 DN trên địa bàn Hà Nội ngừng hoạt động. Đáng tiếc hơn cả là nhịp độ xuất khẩu của Hà Nội đang trầm lắng hơn so với cả nước, cũng như chưa hình thành được nhóm hoặc loại sản phẩm xuất khẩu có kim ngạch vượt trội mang nét đặc trưng. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn 9 tháng qua chỉ đạt 7,4 tỷ USD, giảm 1,5% so cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị xuất khẩu của địa phương giảm 0,9%.

Chủ động cải thiện tình hình

Trước những thực trạng trên, Hà Nội đang quyết tâm cải thiện tình hình, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của cộng đồng DN, chủ động hội nhập. Một số biện pháp đã được xác định, gồm đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Thành phố cũng chỉ đạo các cơ quan, DN khẩn trương tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, hội nhập và phát triển bền vững. Các chuyên gia cũng đồng thuận với chủ trương này và khuyến nghị, trong vài năm tới, Thủ đô cần kết hợp giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở khai thác hiệu quả, hợp lý những thế mạnh sẵn có về nguồn tài chính, nguồn nhân lực và cơ chế chính sách phù hợp. Sau đó chuyển mạnh từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và phấn đấu đưa Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ và dịch vụ chất lượng cao.

Thành phố sẽ hỗ trợ tối đa cho DN theo hướng nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Hà Nội, hỗ trợ thị trường thông qua xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về thị trường đầu tư - xuất khẩu kết hợp với việc khuyến khích DN du nhập, ứng dụng công nghệ mới, có giá trị gia tăng cao và hướng về xuất khẩu. Lãnh đạo thành phố chủ động đối thoại với DN, nắm bắt tình hình và tháo gỡ vướng mắc, tập trung vào những vấn đề quan trọng như cơ chế, tiếp cận nguồn vay, mặt bằng sản xuất, thuế... Hà Nội sẽ tăng cường quản lý thị trường, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm để hỗ trợ DN chân chính, bảo vệ hình ảnh và thị trường cũng như thúc đẩy quan hệ cung - cầu hàng hóa trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, thành phố đang huy động sự đóng góp của hệ thống chính trị, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh để trợ giúp, lấy lại niềm tin kinh doanh cho DN. Sau cùng, Hà Nội sẽ tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ lao động, đặc biệt là đón xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất vào Việt Nam của giới đầu tư nước ngoài; nhất là từ Nhật Bản trong thời gian tới. Đây cũng là bước tập dượt để hình thành thị trường lao động và khả năng chủ động cung ứng nguồn lao động ra thị trường khu vực và thế giới trong quá trình hội nhập…

Hồng Sơn