Hà Tĩnh - Ngổn ngang sau lũ dữ
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:24, 21/10/2013
Chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự Hà Tĩnh giúp dân dọn dẹp sau lũ. |
Tài sản, vật dụng, lương thực đều trôi theo cơn lũ dữ… và cái đói, nghèo đã hiển hiện trước mắt những người dân nơi đây! Ấy thế mà trong suốt buổi sáng 20-10, trên quãng đường chúng tôi di chuyển từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh, những cơn mưa như trút nước vẫn chưa dứt...
Chúng tôi trở lại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) sau gần 3 ngày cơn lũ lịch sử quét qua nơi đây. Những đống hoang tàn do nhà sập, những căn nhà trống hoác vì đã bị nước lũ cuốn mất những vật dụng, những lớp bùn dày lên đến bắp chân… vẫn ngổn ngang, vương vãi khắp đường làng ngõ xóm. Ông Cao Kỷ Vị - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 buồn bã thông báo: huyện Hương Sơn, trong 2 ngày 16 và 17-10, cả 32/32 xã, thị trấn ngập trong biển nước. Nước lũ lên quá nhanh khiến nhiều hộ dân Sơn Kim 2 và vùng hạ huyện, dù đã quen "sống chung với lũ", cũng không kịp trở tay. 12.365 hộ dân và 49 điểm trường học, 20 trạm y tế bị ngập, 4 người chết, 3 nhà bị cuốn trôi, 4 nhà bị sập, đổ hư hỏng nặng, 3 cầu dân sinh và nhiều đoạn đường liên thôn, liên xã bị hư hỏng, cuốn trôi. Nếu như toàn tỉnh Hà Tĩnh thiệt hại hơn 500 tỷ đồng thì riêng Hương Sơn đã thiệt hại đến 400 tỷ đồng.
Ông Đào Quốc Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) không giấu được sự lo lắng: "Khi tôi lớn lên đến giờ, chưa thấy cơn lũ quét nào kinh hoàng như thế. Chỉ trong vòng mấy chục phút, nước đã ngập đến hơn 2 mét". Thống kê toàn xã Sơn Kim 2, lũ làm ngập 416 hộ của 8 thôn, làm 300 nhà bị thiệt hại nặng, trong đó 5 nhà bị sập, 3 nhà bị cuốn trôi; trong 4 cây cầu dân sinh bị hư hỏng có 2 cầu bị đứt hoàn toàn. Hơn 100ha chè và 45ha đất sản xuất bị bồi lấp; trên 100 con trâu, bò bị chết, trôi; trên 1.000 con lợn, trên 2.000 con gia cầm bị chết, trôi; trên 300 tấn lúa gạo bị trôi, hư hỏng, trên 1.000 người dân bị thiếu lương thực. "Rồi đây, chưa biết họ sẽ sinh sống sao?" - Ông Quỳnh than thở.
Ngôi nhà của anh Huy ở làng Chè, xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn) chỉ còn trơ nền. |
Đưa chúng tôi đến thôn Hạ Vàng, ông Đào Quốc Quỳnh bùi ngùi kể, đa số những hộ dân trong thôn là hộ nghèo. Những căn nhà được cất lên là sự tích cóp cả đời của họ. Thế mà chỉ trong chốc lát đã không còn. Đau xót hơn, là trường hợp của em Nguyễn Văn Oanh, bị lũ cuốn trôi cùng con trâu của gia đình. Một người thân của em cho biết, sáng đó, khi thấy nước sông Khe Chè dâng lên quá nhanh, Oanh vội vàng mang áo mưa, lội qua sông để lùa trâu về. Tuy nhiên, do lũ đổ về quá nhanh, cả em và trâu đều bị nước cuốn mất tích! Phải đến đêm hôm đó, mới tìm thấy thi thể em. Bà mẹ đã ngất lịm bên quan tài đứa con xấu số. Đêm đó, gần như cả làng thức trắng, đội mưa, đội lũ để lo hậu sự cho em.
Không mất người, nhưng anh Đặng Văn Huy, ở gần nhà em Oanh, vẫn không thể tin nổi ngôi nhà ngói 3 gian anh vừa xây rất kiên cố đã bị lũ "xé" tan trước khi cuốn dạt về cuối góc vườn. Đứng bần thần trên nền nhà bị khoét sâu như hố bom, anh Huy rầu rĩ: "Ngôi nhà gỗ 3 gian, giờ lũ xé tan chỉ còn là đống phế liệu này thôi". Trên nền đất cũ, vài cột, kèo sót lại cũng bị gãy, không thể dùng lại. Năm con người, thứ còn lại duy nhất là 5 bộ quần áo đang mặc trên người. Cái ăn, cái ở, anh Huy phải nhờ người thân. Vợ anh Huy - chị Nguyễn Thị Lan đã khóc rưng rức khi chúng tôi hỏi về cuộc sống ngày mai. "Nhà em giờ không còn gì nữa! Tài sản tích cóp lâu nay của vợ chồng đều đã trôi sạch. Em mới vay được 30 triệu đồng theo tiêu chuẩn hộ nghèo, đầu tư xây dựng chuồng và mua đàn lợn, những tưởng sẽ thoát nghèo, đã trôi sạch! Năm con người chỉ trông vào 8 thước ruộng. Nay, lũ "nuốt" không còn một thứ gì, lại còn ôm đống nợ ngân hàng…". Nói rồi chị Lan đưa tay ôm mặt khóc nấc. Có mặt ở nhà chị Lan, ông Vũ Văn Đức, 76 tuổi, ở thôn Thượng Kim cũng ngậm ngùi: "Nông dân miền núi chúng tôi ít ruộng đất, lại cằn cỗi, nên nghèo khó lắm. Giờ lũ phủ ngập hết ruộng đồng, vườn tược, cuốn trôi hết tài sản bao đời tích cóp. Hết lũ rồi, cả thôn này, phải có hàng nghìn người thiếu ăn anh ạ!".
Rời Hương Sơn, chúng tôi trở ra huyện Vũ Quang, một trong những huyện ngập sâu trong nước lũ. Con đường vào thôn Bồng Thắng chưa được bê tông hóa càng trở nên lầy lội sau khi nước lũ rút, có những đoạn, bùn, đất ngập quá gối. Ánh mắt buồn rầu, ông Nguyễn Văn Đông trú ở thôn Bồng Thắng, xã Đức Bồng chỉ tay vào góc sân, nơi chiếc giường vẫn nằm chỏng chơ. Tấm chăn, màn và những bộ quần áo nhàu nhĩ vẫn còn quện chặt một lớp bùn màu vàng quạch vừa được ông lôi lên từ lớp bùn sâu đến cả nửa mét. Ông bảo: "Nước lũ lên nhanh quá, lại vào ban đêm nên trở tay không kịp. Hai ông bà già chỉ kịp chạy từ dưới nhà lên "chạn gỗ" để bảo toàn tính mạng. Xe máy, tivi, tủ kệ… đều ngâm nước hết cả".
Để vào được căn nhà của anh Nguyễn Thanh Tình ở cuối thôn, chúng tôi phải lội bùn trên đoạn đường gần 500m. Người dân ở đây đang bắt tay vào việc lau dọn nhà cửa, thau rửa vật dụng và quét dọn bùn, rác trên con đường làng. Anh Tình chia sẻ: "Nghe đài dự báo có mưa to, tôi biết thế nào cũng có lũ lớn về nên kịp dắt trâu đi gửi nhà bà con sống ở khu đất cao ở xóm trên. Gà, lợn, vịt thì lũ lụt "quét" sạch cả rồi. Ngoài đồng, 2 sào ruộng chưa gặt cũng mất, lúa gặt về nhà thì ướt nảy mầm hết, giờ chưa biết phải làm gì để sống?". Anh Tình, ông Đông và những người dân ở Bồng Thắng lo nhất là những loại hạt giống như thóc, ngô, dưa leo, bí, bầu, đậu... họ cất giữ trong nhà nay đã bị nước lũ làm hư hỏng toàn bộ. "Bữa ni nước lũ rút rồi nhưng mai đây không biết lấy chi để gieo trồng kiếm sống?"- bà Trần Thị Trâm thở dài nói với chúng tôi.
Cái ăn đã vậy, nhiều em nhỏ ở huyện Hương Sơn vẫn chưa thể biết bao giờ mới được trở lại trường học. Tính đến chiều 20-10, các em ở thôn Bồng Thắng vẫn chưa có thông tin từ nhà trường về việc bao giờ sẽ học tập trở lại. Em Nguyễn Văn Thắng, đang học lớp 6 ở xã Đức Bồng nói: "Em đã được nghỉ học một tuần lễ nay để chạy lũ, ngày mai đã sang tuần mới mà chưa thấy cô giáo báo đi học trở lại. Các bạn cũng như em, chưa có thông tin gì cả". Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Quang, toàn huyện có 14/30 ngôi trường bị ngập lụt. Hệ thống bàn ghế, tủ đựng dụng cụ, đồ chơi trẻ em, biểu bảng bị hư hỏng nặng... nên chưa biết bao giờ mới khắc phục. Chia sẻ về những mất mát này, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Quang Nguyễn Thái Hòa cho biết: "Các trường đang nhanh chóng bắt tay khắc phục hậu quả sau lũ. Cùng với sự giúp đỡ của các lực lượng tình nguyện, các trường đã huy động toàn thể cán bộ, giáo viên và phụ huynh đến trường, lau dọn bàn ghế, phòng học, nạo vét bùn đất. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có điện, nguồn nước thau rửa không đủ, vì vậy công tác khắc phục sẽ phải kéo dài trong nhiều ngày tới".
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, để khẩn trương khôi phục sản xuất cho người dân, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính hỗ trợ người dân 200 tấn giống ngô, 25 tấn hạt giống rau sản xuất vụ đông và 500 tấn giống lúa sản xuất vụ xuân 2014. "Đó là kế sinh nhai lâu dài. Nhưng trước mắt thì còn ngổn ngang quá nhà báo ơi!" - ông Sơn lo lắng than thở.