Tăng cường hiệu quả lãnh đạo từ cơ sở

Chính trị - Ngày đăng : 06:07, 21/10/2013

(HNM) - Như Báo Hànộimới từng đề cập, mô hình tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị ở một số địa bàn dân cư của Thủ đô còn chồng chéo, bất cập.



Nhằm khắc phục tình trạng này, Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Đề án 06-ĐA/TU về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội".

Hà Nội hiện có 90 chi bộ theo mô hình hai chi bộ lãnh đạo một tổ dân phố hoặc một khu dân cư. Ảnh: Bảo Lâm


Đòi hỏi từ thực tiễn

Ban Tổ chức Thành ủy, cơ quan xây dựng và tham mưu cho Thành ủy về Đề án 06, đã có quá trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn nghiêm túc làm cơ sở xây dựng đề án. Phần lớn trong số 577 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội đã có mô hình tổ chức tổ dân phố, thôn thống nhất, đồng bộ gồm một chi bộ lãnh đạo một tổ dân phố (hoặc một khu dân cư). Tại các phường, thị trấn, số chi bộ kiểu này chiếm 89,6%, tại các xã, số này chiếm 85,5%. Tuy nhiên, với đặc thù của một thành phố lớn như Hà Nội, tỷ lệ các chi bộ chưa đồng bộ, thống nhất với hệ thống chính trị tuy thấp nhưng rất đáng lưu tâm.

Cụ thể, tại các phường, thị trấn, Hà Nội hiện có 90 chi bộ theo mô hình hai chi bộ lãnh đạo một tổ dân phố hoặc một khu dân cư, tương đương với 3,3%; 190 chi bộ thực hiện mô hình từ ba chi bộ trở lên lãnh đạo một tổ dân phố hoặc một khu dân cư, chiếm 7,1%. Đối với các xã, tình trạng chưa thống nhất mô hình tổ chức cũng diễn ra ở nhiều nơi, liên quan đến gần 15% số chi bộ thôn trên địa bàn Hà Nội. 58 chi bộ theo mô hình hai chi bộ lãnh đạo một thôn, chiếm 1,9%; 368 chi bộ thực hiện mô hình ba chi bộ trở lên lãnh đạo một thôn, chiếm 12,6%. Cá biệt có những nơi như tại thôn Kim Bôi, xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức có đến 9 chi bộ cùng lãnh đạo. Sự thiếu đồng bộ của tổ chức đảng và đoàn thể chính trị xã hội tại địa bàn dân cư một số nơi còn phức tạp hơn do quy mô tổ chức dân cư có sự chênh lệch lớn. Thành phố có đến 159 thôn có quy mô trên 1.000 hộ dân, trong khi nhiều tổ dân phố chỉ có dưới 70 hộ dân.

Sự thiếu đồng bộ nói trên ảnh hưởng đến hiệu lực lãnh đạo của chi bộ đảng đối với hệ thống chính trị tại địa bàn dân cư. Khả năng vận hành, hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính trị trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bị chồng chéo, hạn chế. Chất lượng hoạt động giữa các địa phương không đồng đều. Yêu cầu thống nhất mô hình tổ chức hệ thống chính trị ở các tổ dân phố, thôn là đòi hỏi từ thực tiễn.

Tăng cường hiệu lực lãnh đạo từ cơ sở

Đề án 06 cho thấy việc chỉ đạo mang tính chất "mở" của Thành ủy đối với các địa phương, trên cơ sở tôn trọng sự chủ động, sáng tạo và đặc biệt là đặc điểm tình hình thực tiễn tại cơ sở. Thành ủy nêu rõ: "Việc sắp xếp, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư thuộc các xã, phường, thị trấn cần được tiến hành khoa học, bảo đảm sự ổn định - đồng bộ - thống nhất trong toàn thành phố, song có tính đến điều kiện thực tế của từng địa phương". Ngoài việc bảo đảm đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của TƯ và thành phố khác, nguyên tắc thực hiện Đề án 06 là thực hiện sắp xếp, kiện toàn đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở những nơi chưa bảo đảm sự lãnh đạo đồng bộ, thống nhất của các tổ chức đảng ở thôn, tổ dân phố; không tiến hành sắp xếp ở những nơi đã bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, đồng bộ của các chi bộ thôn, tổ dân phố.

Mô hình chung sẽ là dưới đảng bộ phường, thị trấn, xã, một chi bộ lãnh đạo một tổ dân phố (hoặc một số tổ dân phố), một thôn, cùng với một ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể. Các thôn có cơ cấu quá lớn hoặc quá nhỏ theo quy định và hướng dẫn của UBND TP phải chia tách hoặc nhập tổ dân phố. Trong trường hợp này, Thành ủy chỉ đạo xử lý riêng đối với các khu biệt lập, đặc thù và khu chung cư cao tầng là chỉ thành lập tổ dân phố khi có tối thiểu 150 hộ trở lên. Đề án cũng đưa ra cách xử lý đối với các trường hợp cụ thể khi tổ chức lại mô hình chi bộ tổ dân phố và thôn. Trong đó, chi bộ tổ dân phố có trên 100 đảng viên, khó khăn về tổ chức sinh hoạt, công tác quản lý, phân công công tác cho đảng viên thì đảng ủy phường, thị trấn xem xét, báo cáo cấp ủy cấp trên để có thể thành lập đảng bộ bộ phận. Đối với các thôn có từ hai chi bộ xóm trở lên, số lượng đảng viên không đông, có thể hợp nhất thành một chi bộ thôn, chia thành các tổ đảng và tổ chức đồng bộ hệ thống chính trị - xã hội...

Đề án 06 là cơ sở đầy đủ để hoàn thiện tổ chức hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, thực hiện đề án này cần sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Dù trước đây chưa có đề án cụ thể, giải pháp sắp xếp, kiện toàn đã được nhiều quận, huyện chủ động thực hiện và được Thành ủy khuyến khích, nhưng một số cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn có tâm lý chờ đợi được "cầm tay, chỉ việc". Tâm lý này rất dễ khiến việc thực hiện Đề án 06 chậm trễ, kéo dài tình trạng thiếu thống nhất, đồng bộ về tổ chức hệ thống chính trị địa bàn dân cư.

Võ Lâm