Bài 2: Rào cản từ nhận thức

Giáo dục - Ngày đăng : 05:51, 21/10/2013

(HNM) - Căn nguyên sâu xa dẫn đến hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ GV phục vụ cho công tác giáo dục thể chất (GDTC) trong trường học được xác định là từ nhận thức.



Nghị quyết 08-NQ/TƯ từng nêu rõ: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác TDTT ở một số địa phương và ngành chưa đầy đủ, nhiều nơi còn coi nhẹ công tác TDTT; công tác GDTC và hoạt động thể thao trong trường học chưa thường xuyên và kém hiệu quả, ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này còn thấp…

Giờ học Giáo dục thể chất của học sinh Trường THCS Thành Công (Ba Đình). Ảnh: Bảo Lâm


Coi nhẹ việc rèn luyện thể chất

Trao đổi về việc triển khai công tác GDTC trong trường học, TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) khẳng định, quan điểm của Bộ GD-ĐT là nhằm tăng cường sức khỏe cho HS, rèn cho HS có thể trạng vững vàng để học tập, lao động tốt, góp phần làm giảm căng thẳng trong quá trình học tập. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận sự thiếu hiệu quả của việc dạy học môn thể dục nói chung và công tác GDTC nói riêng hiện nay.

Để cải thiện chất lượng công tác GDTC, tạo hứng thú cho HS, lãnh đạo Bộ GD-ĐT từng chỉ đạo điều chỉnh cách tổ chức dạy học theo hình thức thành lập các CLB thể thao tại trường học với nhiều môn đa dạng để HS lựa chọn theo nguyện vọng và khả năng, nhưng rất hiếm nơi làm được. Tâm lý trọng bằng cấp, các môn văn hóa hơn là rèn luyện thể chất đã ảnh hưởng tới việc cải thiện chất lượng công tác GDTC. Không như nhiều môn học khác, việc tuyển GV thể dục không đơn giản. Có trường phổ thông của Hà Nội phải qua ba kỳ tuyển dụng mới bổ sung được một GV thể dục do không có người đăng ký thi tuyển. Nhiều trường học coi thể dục là môn phụ, nên môn này luôn bị cắt xén thời lượng, nội dung, nhất là vào thời điểm gần cuối năm học hoặc sát kỳ thi, kiểm tra. Vì thế, năm ngoái, khi rộ tin đồn thể dục là một trong sáu môn thi tốt nghiệp THPT, hàng trăm nghìn HS đã giật mình, lo lắng. Mới đây, tại một hội nghị về GDTC, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm tính tích cực của cả người dạy và người học môn thể dục là việc điều chỉnh cách đánh giá, xếp loại HS phổ thông theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Thay vì cho điểm theo cách "truyền thống", từ năm 2011, Bộ GD-ĐT đánh giá HS học môn thể dục theo hướng nhận xét "đạt" hoặc "chưa đạt". Đây cũng là nhận định chung của nhiều sở GD-ĐT khi đề cập đến những bất cập trong việc nâng cao chất lượng dạy học môn thể dục. Giáo viên, HS đã vậy, phía phụ huynh cũng chẳng khác. Hầu hết phụ huynh muốn con tập trung học các môn văn hóa để đạt kết quả cao, ít quan tâm đến việc học thể dục. Thực tế cho thấy, nhiều ông bố, bà mẹ nổi cáu khi con được điểm kém ở nhiều môn nhưng chẳng mấy quan tâm khi con bị phê bình vì kết quả học môn thể dục ở mức thấp.

Việc chỉ đạo triển khai dạy bơi cho HS là một ví dụ điển hình của sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của nhiều lực lượng. Bộ GD-ĐT đặt mục tiêu là chậm nhất đến năm học 2014-2015, các sở GD-ĐT phải xây dựng được mô hình dạy bơi thí điểm trong các trường tiểu học; trước mắt, trong giai đoạn 2010-2015 cần tổ chức dạy bơi cho HS tiểu học, tập trung vào HS lớp 4 và mở rộng cho HS lớp 3 và lớp 5. Thời gian dạy bơi là dịp hè, các ngày nghỉ trong tuần hoặc có thể lồng ghép vào chương trình GDTC. Thế nhưng, cho đến nay, chưa có nội dung nào được triển khai một cách bài bản, thống nhất tại các địa phương, thay vào đó là mạnh nơi nào nơi ấy làm. Phía cơ quan quản lý ban hành kế hoạch vào đầu năm học, nhưng chưa sâu sát kiểm tra, đánh giá việc triển khai tại các địa phương… Chủ trương phổ cập bơi cho HS tiểu học đang có nguy cơ… "đuối nước" nếu không có sự can thiệp, khắc phục kịp thời.

GDTC yếu, ngành thể thao mất nhờ!

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Ủy ban TDTT, nay là Tổng cục TDTT) Nguyễn Hồng Minh từng nói rằng: "Nếu thể thao học đường phát triển tốt thì đó chính là mảnh đất màu mỡ để tài năng thể thao nhú mầm, nhờ đó, các nhà tuyển trạch dễ dàng tuyển chọn, phát hiện tài năng. Hiện tại, HLV ở nhiều bộ môn vẫn phải mò mẫm xuống từng trường học để tìm kiếm, tuyển chọn VĐV. Cách làm ấy thực sự vất vả và hiệu quả không cao". Cũng theo ông Nguyễn Hồng Minh, các nền thể thao tiên tiến trên thế giới luôn có nhiều tài năng là bởi họ chú ý đến GDTC. Các CLB thể thao trong nhà trường luôn có HLV giỏi, cơ sở vật chất chuẩn, chương trình học phong phú, có định hướng rõ rệt, điều đó giúp HS ham mê thể thao, tự giác luyện tập. Nhiều đội tuyển thể thao trường học có VĐV ưu tú. Tại Liên Xô (cũ), thể thao học đường từng được gọi là "nơi ươm mầm của những niềm hy vọng". Tất cả cho thấy thể thao học đường đáng được coi trọng thế nào.

Friedrich Engels khẳng định rằng giáo dục có 3 mảng chính, gồm giáo dục tri thức, giáo dục kỹ thuật, GDTC. Đủ 3 yếu tố này mới làm nên cái gọi là giáo dục toàn diện. Nắm bắt được nguyên tắc cơ bản trên, nhiều nước đã có hệ thống GDTC với những định hướng riêng. Như ở Pháp từng có chương trình GDTC phục vụ các hoạt động trong quân đội như dạy nhảy, bơi, mang vác… Ở Thụy Điển, chương trình GDTC chú trọng những môn có thể giúp khắc phục khiếm khuyết cá nhân. Tiệp Khắc (cũ) thiên về những môn có kỹ thuật phức tạp, nặng về biểu diễn.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, bản chất của dạy thể dục là không chỉ chú trọng rèn luyện sức khỏe, mà còn phải rèn kỹ năng sống thông qua các tiết thực hành. Nhưng, rõ ràng là điều này ít được chú trọng ở ta, dẫn đến tâm lý coi nhẹ chương trình GDTC. Điều đó khiến ngành thể thao "mất nhờ", luôn trong cảnh thiếu nguồn tuyển chọn. Vì thể thao học đường không đủ mạnh, lại mải lo thành tích nên ở mỗi kỳ ĐH thể thao học sinh hay sinh viên quốc tế, học sinh, sinh viên đang ăn lương của ngành thể thao luôn chiếm đa số trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam.

Hồng Hạnh - Vũ Quỳnh