Sinh viên Thủ đô: “Đầu tàu” trong các phong trào thi đua

Đời sống - Ngày đăng : 06:35, 20/10/2013

(HNM) - Hội Sinh viên thành phố Hà Nội hiện có 42 cơ sở trực thuộc và hơn 360.000 hội viên. Trong đó có 362 liên chi hội, 583 câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm và 6.965 chi hội.



Số lượng hội phủ kín 69 trường ĐH, CĐ và là mái nhà chung của hàng triệu sinh viên đang theo học tại Thủ đô. Nhiệm kỳ 2008-2013, các cấp hội sinh viên thành phố đã nỗ lực nâng cao chất lượng các mặt công tác, khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của hội, xứng đáng là nơi khởi xướng những phong trào hành động cách mạng trong thanh niên, sinh viên cả nước...

Tuổi trẻ Thủ đô tham gia hiến máu nhân đạo. Ảnh: Xuân Phú


Phát huy nội lực

Bí thư Thành đoàn Hà Nội, kiêm Chủ tịch Các cấp bộ Hội Sinh viên thành phố Nguyễn Thị Ngà cho biết, điểm nổi bật của sinh viên Hà Nội là những thành tích vượt trội so với sinh viên cả nước trong học tập, nghiên cứu khoa học và tinh thần tình nguyện. Thông qua các phong trào, tinh thần xung kích, tình nguyện, ý thức vì cộng đồng của sinh viên được nâng cao. Qua đó, đa số sinh viên đã nhận thức rõ hơn về vai trò học vấn, kiến thức chuyên môn, khả năng thực hành, kỹ năng công tác, ứng xử và rèn luyện phẩm chất đạo đức nên chăm chỉ học tập, ham hiểu biết, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, sáng tạo, nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện.

Tiêu biểu như hoạt động nghiên cứu khoa học được các cấp hội sinh viên các trường ĐH, CĐ triển khai sâu rộng, với nhiều cách làm sáng tạo như thành lập các CLB sinh viên nghiên cứu khoa học, CLB chuyên ngành, học thuật trong sinh viên. Trên cơ sở đó, các CLB kết nối với nhau để tạo ra ý tưởng nghiên cứu mới và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học, phát huy chất xám của các nhà khoa học trẻ vào quá trình phát triển đất nước. 5 năm qua, toàn thành phố đã có gần 30.000 lượt sinh viên được hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Qua nghiên cứu, đã có gần 13.000 sinh viên đạt giải thưởng nghiên cứu khoa học các cấp, có gần 20.000 sinh viên tham gia các cuộc thi Olympic.

Hoạt động nổi bật thứ hai của sinh viên Thủ đô là phong trào tình nguyện. Tính riêng năm 2013, chiến dịch Mùa hè Thanh niên tình nguyện với lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên khối trường ĐH, CĐ đã đạt hiệu quả vượt trội. Tiêu biểu là các hoạt động xây dựng nông thôn mới, hiến máu tình nguyện, khám bệnh, phát thuốc, hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa"... Đặc biệt, chương trình Tiếp sức mùa thi với 159 đội hình và gần 10.000 lượt tình nguyện viên tham gia đã giúp 159.000 thí sinh và người nhà thí sinh về địa điểm thi, hơn 15.000 suất ăn miễn phí, hơn 60.000 nhà trọ giá rẻ và 8.089 nhà trọ miễn phí. Cùng với đó, phong trào tình nguyện của sinh viên Thủ đô còn thể hiện ở tinh thần "Tương thân, tương ái", vì cộng đồng, thông qua các mô hình "Ngân hàng máu di động", "Hiến máu gia đình", "Máu hiếm"… thu hút hơn 66.000 lượt sinh viên tham gia hiến gần 29.000 đơn vị máu.

Hoàn thiện cơ chế để nâng cao chất lượng

Tại một số hội nghị đánh giá phong trào sinh viên, nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng hoạt động của cấp cơ sở hội trong các trường chưa đồng đều, có lúc trùng lặp hoặc mạnh về bề nổi. Nguyên nhân là hiện nay hầu hết cán bộ hội là sinh viên nên việc phát huy kinh nghiệm và triển khai hoạt động gặp nhiều khó khăn, thiếu chủ động. Một số cán bộ còn yếu về kỹ năng, nghiệp vụ và thiếu nhiệt tình công tác. Công tác quy hoạch cán bộ ở một số nơi chưa được quan tâm, việc tập huấn đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế... Làm gì để giải quyết thực trạng này?

Trần Trung Hiếu, hội viên Hội Sinh viên Trường ĐH Luật cho rằng, Hội Sinh viên thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ không chỉ cần các cơ sở hội mạnh mà còn cần sự đoàn kết giữa các trường. Nguyên Chủ tịch Hội sinh viên ĐH Bách khoa Hoàng Đức Nam nêu ý kiến, bước vào ngưỡng cửa ĐH, sinh viên đối mặt với kho tri thức khổng lồ với những trải nghiệm mới mẻ nhưng cùng với đó có không ít cạm bẫy. Vì vậy, khi thu hút sinh viên vào hội, cần chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống đạo đức, lối sống và ý thức pháp luật, giúp sinh viên luôn "đi đúng hướng".

Rõ ràng, để nâng chất lượng hoạt động Hội Sinh viên, rất cần có sự quan tâm, điều chỉnh như gắn các hoạt động hội với lĩnh vực chuyên môn của sinh viên, tạo thêm niềm đam mê, yêu thích, giúp sinh viên có cơ hội thể hiện, phát huy kiến thức đã học. Mọi hoạt động của tổ chức hội phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của sinh viên, hội viên. Đồng thời, các cấp hội phải là cầu nối giữa sinh viên với Đảng ủy, ban giám hiệu nhà trường, các phòng, khoa, trung tâm... của trường. Đặc biệt, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thông qua đó phát huy vai trò nòng cốt chính trị của đoàn thanh niên để xây dựng và phát triển tổ chức hội sinh viên và phong trào sinh viên vững mạnh.

Kiều Oanh