Bài 1: Chưa xứng với vị thế
Giáo dục - Ngày đăng : 05:53, 20/10/2013
LTS: Một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 là đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất (GDTC) và thể thao trường học, bảo đảm yêu cầu phát triển con người toàn diện, làm nền tảng phát triển thể thao thành tích cao, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh trong tầng lớp thanh - thiếu niên. Trong thực tế, công tác GDTC hiện nay ra sao? Cần có cơ chế phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành thể thao như thế nào?... Báo Hànộimới đề cập đến vấn đề quan trọng này qua loạt bài "Phát triển GDTC, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Có phải cái khó bó cái khôn?".
Bài 1: Chưa xứng với vị thế
Mục tiêu quan trọng của GD-ĐT là giáo dục toàn diện, giúp học sinh (HS) phát triển cả về trí tuệ và thể lực. Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã xác định tầm quan trọng của công tác GDTC trong giai đoạn hiện nay và khẳng định quan điểm đầu tư cho GDTC, TDTT là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, công tác GDTC trong trường học hiện nay còn nhiều bất cập.
Đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và thể thao học đường sẽ góp phần xây dựng lối sống lành mạnh trong tầng lớp thanh - thiếu niên. Ảnh: Thái Hiền |
Thiếu về cơ sở vật chất
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc dạy học môn thể dục được triển khai theo chương trình chính khóa tại tất cả các nhà trường phổ thông, từ lớp 1 đến lớp 12 với thời lượng 1-2 tiết/tuần. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải nơi nào cũng thực hiện đúng quy định, nguyên nhân cơ bản là cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu.
Tính đến năm học 2012-2013, cả nước có gần 1.500 nhà tập luyện và thi đấu đa năng trong trường học, tăng khoảng 40% so với 5 năm trước đó. Tuy nhiên, con số này mới chỉ chiếm chưa đầy 6% tổng số trường trên toàn quốc - một tỷ lệ quá khiêm tốn. Số nhà thi đấu này cũng chỉ tập trung ở một số trường khu vực thành thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Trong khi đó, hầu hết các trường phổ thông đều mới chỉ tổ chức cho HS học 1 buổi/ngày, vì thế, việc học thể dục ở một số nơi còn nặng về hình thức, chưa thực sự đem lại hiệu quả”.
Chiểu theo quy định "trường học phải dành 40-50% diện tích làm sân chơi, sân tập cho HS được nêu trong Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế thì có lẽ, hiếm có trường học đáp ứng được tiêu chí này. Người dân nội thành Hà Nội không lạ gì cảnh HS một số trường chào cờ, tập thể dục hay tổ chức các hoạt động tập thể ở trên hè phố. Có trường phải đi thuê địa điểm mỗi dịp cần tập trung HS. Tình hình trầm trọng nhất ở khối trường THPT ngoài công lập khi chỉ có trên 20% số trường có cơ ngơi ổn định, xây dựng kiên cố và đủ cơ sở vật chất phục vụ cho HS học tập, vui chơi. Chỗ học còn thiếu, nói gì đến việc lo cho HS sinh hoạt, vui chơi.
Diện tích dành cho sân chơi, bãi tập ở nhiều trường đang bị "co" lại. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, khu đô thị và chung cư được xây dựng nhiều ở khu vực nội thành và vùng ven đô nên số lượng HS tăng liên tục trong những năm gần đây, quy mô trường, lớp không đáp ứng kịp. Điển hình như năm học 2013-2014, chỉ riêng cấp tiểu học của Hà Nội đã tăng hơn 11 nghìn em, tương đương với 11 trường học. Tuy nhiên, do số HS tăng không đồng đều, trong khi đó, quy mô trường, lớp ở các khu vực này tăng không đáng kể, thậm chí có nơi không tăng do không còn quỹ đất nên rất khó để đáp ứng đủ chỗ học, sinh hoạt cho HS.
Luyện tập thể dục thường xuyên sẽ góp phần phát triển toàn diện cho học sinh. Ảnh: Nguyệt Hường |
Yếu về nhân lực
Việc triển khai công tác GDTC trong trường học hiện gặp nhiều khó khăn, một phần nguyên nhân liên quan đến đội ngũ giáo viên (GV). Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến năm học 2012-2013, cả nước có khoảng 53 nghìn GV thể dục. Tuy nhiên, số lượng này chưa đủ so với yêu cầu, tình trạng GV kiêm nhiệm môn thể dục là khá phổ biến ở các địa phương, nhất là cấp tiểu học. Cả nước chỉ có khoảng 25% số trường tiểu học có GV thể dục chuyên trách, chủ yếu là ở các trường đạt chuẩn quốc gia hoặc các trường thuộc khu vực thành phố; các trường còn lại đều bố trí GV chủ nhiệm kiêm nhiệm dạy môn thể dục. Phú Thọ là một trong những địa phương được Bộ GD-ĐT tuyên dương về công tác GDTC trong năm học vừa qua, song tỷ lệ GV thể dục chuyên trách ở cấp tiểu học cũng chỉ đạt 50%. Ở cấp THCS, có khoảng 20% số tiết thể dục ở các trường là do GV chủ nhiệm giảng dạy. Cũng vì thiếu GV nên lịch học thể dục ở một số nơi rất bất hợp lý phản khoa học. Tình trạng học thể dục vào tiết 4, thậm chí là tiết 5 của buổi học sáng, hoặc vào tiết học đầu giờ chiều khá phổ biến và điều đó khiến phụ huynh bức xúc.
Không chỉ thiếu về số lượng, GV thể dục đang làm công tác giảng dạy được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có những người không phải tốt nghiệp khối trường TDTT. Vì vậy, trình độ GV thể dục không đồng đều, số GV thể dục có trình độ thạc sĩ chỉ khoảng 100 người, số có trình độ trung cấp và sơ cấp là gần 4 nghìn người.
Theo quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành GD-ĐT từ nay đến năm 2020 thì trong số các môn chuyên biệt (gồm thể dục, mỹ thuật, âm nhạc), nhu cầu về GV thể dục là lớn nhất - gấp gần 2 lần so với hai môn còn lại, đặc biệt là ở cấp tiểu học. Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của môn học này, trong giai đoạn từ nay đến 2015, mỗi năm cả nước cần bổ sung 350 GV thể dục; giai đoạn từ năm 2016-2020, số GV thể dục cần có thêm hằng năm là 450 người.
Rõ ràng là muốn đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ GV thể dục, phấn đấu có 90% HS đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể vào năm 2020 như Nghị quyết số 08-NQ/TƯ thì ngành GD-ĐT nói riêng và các cấp chính quyền địa phương nói chung phải tập trung khắc phục những khó khăn cơ bản về cơ sở vật chất và đội ngũ GV. Điều đáng nói, những khó khăn này đã được nhận ra từ lâu, nhưng chưa giải quyết được.
Tại Hà Nội, công tác GDTC còn nhiều hạn chế, chủ yếu do quy mô trường lớp còn hạn hẹp, nhất là ở khu vực nội thành. Toàn thành phố có khoảng 50% số trường học có sân tập bảo đảm đủ điều kiện phục vụ cho việc dạy - học thể dục và các hoạt động thể chất; 30% số trường học có nhà tập đa năng hoặc khu luyện tập thể thao tách biệt với sân chơi. |