Nối dài nỗi lo

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:44, 20/10/2013

(HNM) - Trưa 18-10, hơn 100 công nhân của Công ty Giầy Liên Phát (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) phải cấp cứu tại Bệnh viện Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), nguyên nhân ban đầu là do ngộ độc thức ăn. Vụ việc này chỉ làm cho danh sách các vụ ngộ độc thức ăn do thiếu vệ sinh khi chế biến và thực phẩm không an toàn dài thêm...


Đã từ lâu, ngộ độc do thức ăn chỉ là phần nổi của tảng băng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Tin, bài về đề tài này thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin. Bánh phở có chất formol; bún có chất hóa chất gây độc; cho chất gây ung thư Rhodamine B vào ớt bột; dùng hóa chất cấm tẩy trắng nội tạng; dùng đường Cyclamate gây hại cho sức khỏe để sản xuất nước ngọt, bim bim, rượu vang... Rồi ngày này bắt xe chở nội tạng thối trên đường tiêu thụ, ngày kia phát hiện thực phẩm quá hạn sử dụng tại kho đông lạnh... Tại hội nghị trực tuyến về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 26-4-2013, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ở nhiều địa phương, tỷ lệ sử dụng phụ gia ngoài danh mục từ 50 đến 80%, sử dụng phụ gia không nhãn mác hoặc nhãn mác không đúng quy định là 50%.

Thực trạng vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm là rất đáng lo ngại cho sức khỏe và tính mạng cộng đồng, song lại không có chiều hướng giảm là vì sao? Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân là mức tiền xử phạt không đủ sức răn đe. Ví dụ, mức tiền phạt các cơ sở làm 'bún bẩn" ở TP Hồ Chí Minh cao nhất cũng chỉ 50 triệu đồng. Theo Nghị định 91/2012/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, mức phạt hành chính cao nhất là 100 triệu đồng, do vậy mức xử phạt các cơ sở làm "bún bẩn" chỉ đến vậy. Và dù nghị định có bổ sung thêm các hình phạt như: Tước giấy phép, thu hồi chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… tuy nhiên, nếu so sánh với những khoản lợi nhuận không nhỏ từ việc vi phạm thì mức xử phạt này là quá ít và nếu có bị thu hồi giấy phép kinh doanh thì họ lập công ty mới.

Và cho đến nay, hầu hết các vụ việc vi phạm Luật An toàn thực phẩm chỉ bị xử phạt hành chính, rất khó truy tố hình sự. Vì theo điều 244 Bộ luật Hình sự về cấu thành tội phạm gây mất an toàn thực phẩm, muốn truy tố, cơ quan chức năng phải lượng hóa được mức độ ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng của các hành vi vi phạm để xử lý.

Vụ việc ngộ độc thức ăn ở cơ sở giầy Liên Phát cũng chỉ xử phạt hành chính cơ sở cung cấp thức ăn cho công ty này. Nếu tiếp tục mức phạt như vậy và không ai bị truy tố trách nhiệm hình sự vì không thể khép tội được thì vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ vẫn tiếp diễn cho dù hậu quả về sức khỏe, tính mạng, ảnh hưởng giống nòi là khỏi phải bàn cãi.

Thủy Tiên