Syria: Mong ước hòa bình

Thế giới - Ngày đăng : 07:41, 19/10/2013

(HNM) - Cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria dù đã lắng dịu nhưng vẫn là tâm điểm của đời sống chính trị quốc tế. Căng thẳng liên quan đến vấn đề vũ khí hóa học đã khiến cả thế giới thực sự lo ngại. Việc Giải thưởng Nobel hòa bình 2013 được trao cho tổ chức Cấm vũ khí hóa học quốc tế (OPCW),


Dư luận cho rằng, với việc vinh danh OPCW, Viện Hàn lâm Hoàng gia Na Uy - cơ quan trao giải Nobel Hòa bình - mong muốn vũ khí hóa học phải được xóa bỏ trong đời sống nhân loại. Đó cũng là mong ước của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Tại quốc gia Trung Đông, các thanh sát viên LHQ cùng chuyên gia của OPCW đang tiến hành liệt kê để tiến tới tiêu hủy kho vũ khí hóa học ở nước này theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ). Dự kiến, công việc tiêu hủy sẽ hoàn tất vào giữa năm 2014. Cùng thời gian này, Công ước Vũ khí hóa học (CWC) đã bắt đầu có hiệu lực với Syria và giúp nước này trở thành thành viên thứ 190 của công ước đã phát đi những tín hiệu tích cực từ đất nước vẫn chìm trong nội chiến.

Trên phương diện quốc tế, ngay sau khi "ngòi nổ" vũ khí hóa học được gỡ bỏ, các hoạt động ngoại giao nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria cũng đồng thời được tiến hành song song. Trong một diễn biến mới, Đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn Arab (AL) về Syria Lakhdar Brahimi cho biết, trong vài ngày tới sẽ công du Trung Đông để gặp gỡ đại diện của tất cả các bên nhằm cố gắng lên kế hoạch và ấn định ngày tiến hành hội nghị Geneva-2. Đặc phái viên L.Brahimi hy vọng, các bên có liên quan sớm thống nhất thời gian biểu và thành phần tham dự hội nghị quốc tế quan trọng với tương lai của quốc gia Trung Đông.

Thế nhưng, đạt được sự đồng thuận ở mức độ cao không hề là điều dễ dàng. Mặc dù giới kêu gọi tổ chức khẩn cấp hội nghị về Syria, song Mỹ vẫn nhấn mạnh hòa bình sẽ không thể có được nếu thiếu một chính quyền chuyển tiếp nhằm thay thế Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, 60 chuyên gia của OPCW và LHQ đang thực thi nhiệm vụ ở quốc gia Trung Đông này luôn gặp nhiều khó khăn vì tình trạng giao tranh vẫn diễn ra ác liệt. Tại tỉnh Daraa ở miền Nam Syria, nơi được xem là cái nôi của các cuộc nổi dậy chống chính quyền Damascus, vừa xảy ra vụ đánh bom làm 21 người thiệt mạng. Trước đó, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, tại thị trấn Darkush, tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, một vụ đánh bom xe đã cướp đi mạng sống của 20 người và làm hàng chục người bị thương. Cùng lúc đó, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cho biết 6 nhân viên cứu trợ ICRC và một thành viên nhóm Trăng Lưỡi liềm đỏ Syria đã bị các tay súng bắt cóc. Tình trạng bạo lực gia tăng đã buộc Tổng Giám đốc OPCW Ahmet Uzumcu kêu gọi quân đội Syria và lực lượng nổi dậy tạm ngừng bắn ở một số địa điểm để các chuyên gia OPCW có thể đến thanh sát và tiêu hủy các kho vũ khí hóa học. Cho đến nay, lực lượng nổi dậy tại Syria vẫn chưa chấp nhận cùng tham gia Geneva-2. Điều này đã buộc Mátxcơva phải hối thúc Washington làm mọi điều trong quyền hạn để buộc phe đối lập Syria đàm phán hòa bình.

Dù còn nhiều trở ngại, nhưng rõ ràng là cuộc khủng hoảng Syria đang ngày càng có những dấu hiệu cải thiện tích cực. Dư luận cũng đang trông chờ vào các bước đi tiếp theo nhằm mang đến hòa bình thực sự cho quốc gia Trung Đông.

Trung Hiếu