Không để mắc bẫy lừa đảo
Pháp luật - Ngày đăng : 06:58, 19/10/2013
Liên tục trong thời gian qua, hàng loạt vụ lừa đảo bị phát giác mà kẻ gây án dùng thủ đoạn giả danh cán bộ nhà nước, nhất là cán bộ trong lực lượng vũ trang, nhà báo. Gần đây, tại Đắc Lắc, cơ quan chức năng vạch mặt Trần Quốc Thái mới 21 tuổi đã mạo nhận là cán bộ của Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ CA, lên mạng internet lừa "chạy việc", làm quen rồi mượn tài sản, chiếm đoạt tiền của nhiều người. Trên địa bàn Hà Nội, cuối năm 2012, CA quận Hà Đông bắt Nguyễn Văn Hòa (SN 1984, trú tại huyện Ứng Hòa) vì giả danh sĩ quan quân đội, CA lừa đảo "chạy việc", chiếm đoạt đến hơn 800 triệu đồng. Gần đây hơn, cuối tháng 9, tại xã Vân Côn (huyện Hoài Đức) xuất hiện "nhà báo" Nguyễn Văn Thuyết (SN 1981, quê ở Kim Bảng, Hà Nam) liên hệ ép chính quyền địa phương ký hợp đồng quảng cáo. Rất may, hành vi mạo danh của Thuyết nhanh chóng bị chính quyền địa phương phát giác... Li kỳ và cười ra nước mắt là vụ án liên quan đến "số tài sản khổng lồ" của Hoa Mai hội khi Nguyễn Thành Chơn (ở TP Hồ Chí Minh) xưng danh "cố vấn ban chiến lược trung ương" ở "tổ công tác đặc biệt", lừa hàng tỷ đồng của người dân, vừa được cơ quan an ninh triệt phá đầu tháng 10...
Thực tế là hành vi lừa đảo, chạy việc, chạy học, chạy dự án... đã diễn ra từ lâu. Hàng nghìn vụ án lớn nhỏ đã được phát hiện, điều tra, xét xử công khai. Thủ đoạn của tội phạm loại này cũng thường xuyên được các cơ quan truyền thông phản ánh đến công chúng. Nhưng xem ra, còn quá nhiều người dễ dàng mắc bẫy. Vậy, nguyên nhân do đâu?!
Về một góc độ nào đó, có thể nhận thấy rõ tâm lý dễ tin tưởng vào các đối tượng giả danh "người nhà nước" xuất phát từ thực tế là người dân vẫn cho rằng hiện tượng chạy việc, chạy học, chạy dự án đã và đang còn tồn tại. Cùng với đó, người dân cho rằng "có thân, có quen", có "lót tay" thì sẽ xin được việc làm, xin được đi học, xin được dự án, "đấu thầu nội bộ"... Tâm lý sai lệch này dễ bị tội phạm lợi dụng khai thác khi chúng cố tình tiếp cận với những đối tượng thiếu hiểu biết, đang thực sự có nhu cầu cao xin việc, xin học, tìm cơ hội làm ăn. Chỉ bằng những cái "mác" giả tạo, đánh trúng vào tâm lý nạn nhân, tội phạm dễ dàng chiếm đoạt nhiều tiền.
Mặt khác, có thể thấy rõ nhận thức, hiểu biết của một bộ phận người dân còn thấp cũng dễ dẫn đến việc rơi vào cạm bẫy của tội phạm. Không tìm hiểu rõ quy trình tuyển dụng, tuyển sinh, nhiều người cho rằng có thể dùng tiền (thông qua các "cán bộ" - tội phạm) để áp đặt mong muốn. Trong nhiều vụ việc, lòng tham vào lợi nhuận lớn cũng khiến nạn nhân bỏ qua những thông tin cần thiết, những quy tắc cơ bản trong giao dịch để rồi "hiến tài sản" cho tội phạm. Như trong vụ việc "Hoa Mai hội", từ năm 2009, Bộ CA đã có kết luận khẳng định không có cái gọi là "kho báu của Hoa Mai hội". Trong vụ án, cái cách mà Nguyễn Thành Chơn tô vẽ về kho báu, xưng danh người của "trung ương" thật sự khó tin đối với một người tỉnh táo và hiểu biết. Thế nhưng, các nạn nhân vẫn dễ dàng giao hàng tỷ đồng cho Chơn để chờ đợi một khối lượng tài sản mơ hồ, do một nhân vật "ảo" hứa hẹn...
Từ những vụ án như trên, cơ quan CA cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu rõ pháp luật, không nên đặt lòng tin vào những lời hứa hẹn về khả năng làm trái quy định của pháp luật trong việc tuyển dụng, tuyển sinh. Đối với những lời mời mọc về các hợp đồng liên kết, các thương vụ liên quan đến khối tài sản lớn, nguồn gốc không rõ ràng lại càng phải đề phòng. Với đối tượng xưng là cán bộ, công chức có khả năng "chạy" cần phải xác minh rõ nhân thân, nơi công tác, khi có biểu hiện nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan chức năng. Để không rơi vào bẫy của tội phạm lừa đảo dạng mạo danh, chỉ có ý thức cảnh giác mới giúp chính người dân không bị thiệt hại...