Quảng Bình - Quặn lòng lũ chồng lên bão

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:49, 19/10/2013

(HNM) - Chúng tôi trở lại Quảng Bình khi cơn bão số 11 chưa tan hẳn. Nước đã bắt đầu rút nhưng mưa bão thì chưa dứt hạt. Bão chồng bão, lũ chồng lũ khiến nhiều làng xã của Quảng Bình trở nên tan hoang, xơ xác.

Những căn nhà đổ sập, những cảnh đời màn trời chiếu đất, những đám tang nấc nghẹn tiếc thương… cứ ám ảnh chúng tôi trong suốt hành trình đến với bà con vùng lũ. Hai mươi triệu đồng hỗ trợ các đồng nghiệp Quảng Bình bị thiệt hại do lốc xoáy, 35 triệu đồng từ Quỹ Trái tim nhân ái - Báo Hànộimới và do Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội hỗ trợ 7 gia đình có người thân thiệt mạng là quá nhỏ so với những mất mát của người dân Quảng Bình...

Những gì còn sót lại sau trận lũ quét ở xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.



Tan hoang Quảng Sơn

Có mặt tại xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, chúng tôi không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh hoang tàn của cơn lốc xoáy và lũ dữ. Ông Mai Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn đưa cho chúng tôi bản báo cáo nhanh về thiệt hại do bão số 11 gây ra mà mắt cứ đỏ hoe xót xa: "GDP của xã chưa được 10 tỷ/năm. Thế mà riêng trong nửa tháng 10 này, bão, rồi lũ đã cuốn đi của chúng tôi hơn 15 tỷ đồng rồi anh ạ". Thật xót xa khi nhìn những con số chưa phải là con số cuối cùng mà ông Kiên đưa cho chúng tôi: 3 người chết do lốc xoáy làm sập nhà; 22 người bị thương trong đó vẫn còn tới 14 người đang phải điều trị trong bệnh viện; 24 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn và 244 ngôi nhà tốc mái với tổng thiệt hại trên 7 tỷ đồng. Chừng ấy con số, chừng ấy gia đình hiện phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Không điện, thiếu nước sạch, không củi lửa để nấu ăn… những người dân Quảng Sơn đang phải chống chọi với cái đói, cái rét, cái khát để chờ qua những ngày mưa lũ.

Chị Trương Minh Chủng, ở thôn Hạ khi được chúng tôi hỏi thăm thì òa khóc bên xe tiếp tế nước uống mà Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình vừa chở đến: "Nhà tui không còn chi nữa rồi anh ơi!". Những người có mặt cho biết, chị Chủng có 3 đứa con, đứa lớn đang học lớp 8, hai đứa bé thì một đứa đang học lớp 3 và một đứa vừa vào lớp 1. Sau cơn lốc xoáy, nhà chị Chủng cũng như biết bao nhà khác bị gió thổi bay toàn bộ mái nhà. Chưa kịp dọn dẹp, cơn lũ dữ đã nhấn chìm, quét phăng toàn bộ tài sản nhà chị. Cũng như chị Chủng, bà Trần Thị Khía cũng rơm rớm nước mắt: "Gần 20 ngày nay không có điện rồi chú ạ. Nước không có, gạo không có, củi không đun được, chẳng biết chúng tôi có qua được cơn nguy khó này không?".

Trong cơn mưa dứt hạt, Đại tá Bùi Quang Đức, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng Quảng Bình xót xa: "Lốc xoáy mạnh quá! Cả xã tiêu điều như vừa bị máy bay B52 dội bom anh ạ". Cũng theo ông Đức, ngay trong lũ dữ, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đã cử gần 500 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức di dân và cứu dân ở 9 xã bị ảnh hưởng nặng nề. Còn tiểu đoàn 5, sư đoàn 968 đã cử gần 700 lượt cán bộ, chiến sĩ xuống giúp dân dọn dẹp vệ sinh, dựng lại những ngôi nhà bị sập, chở ngói xuống lợp lại mái cho những hộ gia đình bị tốc mái… Lúc chúng tôi đến, những bóng người với bộ quân phục xanh với chiếc áo mưa thoăn thoắt lợp lại những viên ngói trên mái nhà. Đêm nay, nhiều hộ gia đình sẽ có chỗ tránh những hạt mưa trĩu nặng vẫn đổ rào rào trên bầu trời Quảng Bình.

Và những nỗi đau xé lòng

Chiều 18-10, trong tiết trời âm u với những trận mưa liên tiếp trên mảnh đất Quảng Bình, chúng tôi về thăm và tặng quà 2 gia đình cô giáo bị lũ cuốn trôi trên đường đi dạy học vào ngày 16-10. Trong con ngõ 20 ở đường Đồng Hải, phường Hải Thành, TP Đồng Hới, căn nhà cô giáo Nguyễn Thị Lộc mấy ngày nay ngập chìm trong tang thương. Chứng kiến cảnh đau lòng cùng tiếng khóc khản đặc của người chồng và đứa con gái 10 tuổi bên di ảnh người vợ, người mẹ khiến cho ai cũng phải rớt nước mắt. Nỗi đau gấp ngàn vạn lần khi đứa con 8 tháng tuổi đang còn nằm trong bụng mẹ cũng ra đi khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Còn gì đau khổ hơn khi một lúc mất đi hai người thân yêu nhất, căn nhà nhỏ vốn đã neo người giờ lại càng lạnh lẽo.

Người dân xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch nhận nước uống và các vật dụng khác từ các đơn vị tài trợ vào chiều 18-10.



Chị Đặng Thị Vân, chị chồng cô giáo Lộc rưng rưng hai hàng nước mắt, xót xa: "Hôm đưa thi thể em lên bờ, ai cũng khóc hết nước mắt, thi thể của em nằm trên khe đá, phần chân thì bị xây sướt vì bị va đập, nhưng 2 tay thì vẫn ôm trọn đứa con trong bụng". Trong tiếng nấc ngẹn ngào ngày tiễn đưa chị Lộc về nơi an nghỉ cuối cùng, bà Bền, một người hàng xóm chia sẻ: "Con bé sống thân thiện lắm! Đi làm thì thôi, chứ mỗi khi về là hắn lại sang nhà tui chơi trò chuyện. Cách đây vài ngày hắn khoe mua rất nhiều quần áo con nít để chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời. Thế mà…". Bà Bền bỏ lửng câu nói, nén tiếng nấc nghẹn khi quệt ngang dòng nước mắt. Thật vậy, hôm cả nhà dọn dẹp đồ đạc để chuẩn bị hỏa táng, không ai cầm được nước mắt khi thấy rất nhiều quần áo của trẻ sơ sinh mà chị Lộc đã chuẩn bị từ trước. Đáng thương hơn khi một người chị họ hàng thân thiết của chị Lộc cho biết: "Nhà nó hiếm muộn, sinh đứa thứ nhất xong đến tận hơn 10 năm sau mới có bầu được đứa thứ hai, đi siêu âm bác sĩ cho biết là con trai nên ai cũng mừng vì là cháu đích tôn, thế mà không ngờ vì chút sơ sẩy khi đi ngang qua dòng nước lũ mà bây giờ trong cảnh chồng mất vợ, con mất mẹ. Xót xa quá!". Những người dân ở đây cho biết, sáng 16-10, hai cô giáo ở TP Đồng Hới trên đường tới Trường Tiểu học xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) công tác đã bị nước lũ cuốn trôi. Địa điểm các cô giáo gặp nạn là suối Mực, thôn Thanh Bình, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, đến khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy một chiếc cặp sách cùng các giấy tờ liên quan của một trong hai cô. Đến khoảng 15h chiều cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy thi thể cô giáo Nguyễn Thị Lộc ở cách đó không xa.

Ở xã Thuận Đức, TP Đồng Hới, nỗi đau tột cùng về sự ra đi của cô giáo Nguyễn Thị Đinh Hương cũng làm người thân và những người hàng xóm láng giềng vô cùng bàng hoàng. Ngày đưa chị Hương về với tiên tổ, con đường nhỏ chị vẫn thường ngày qua lại ngập ngụa trong bùn đất do những trận mưa lớn mấy ngày qua để lại. Trong căn nhà vừa xây chưa được hoàn thiện, tiễn đưa người vợ xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng vào chiều 18-10, khuôn mặt anh Trần Văn Lệ thất thần, hằn rõ nét đau đớn trước sự mất mát tột cùng. Một người dân trong xóm mắt ngấn lệ kể với chúng tôi: "Ngày mang thi thể của chị về ai cũng mừng vì cuối cùng chị cũng về được bên chồng và những đứa con... Hai đứa con của chị, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi thấy mẹ được đưa về thì mừng lắm, vội chạy ra tíu tít gọi mẹ, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng, tiếng khẽ thở dài và những giọt nước mắt xót thương. Cả 2 đứa trẻ vẫn chưa ý thức được rằng mình đang phải chịu nỗi mất mát quá lớn. Thỉnh thoảng cứ lon ton chạy xung quanh quan tài của chị Hương và ghé sát vào tai nhau nói thì thầm "mẹ đang ngủ". Người trong gia đình cho biết, từ lúc nghe tin vợ bị mất tích trong lũ dữ, anh như chết lặng, vội vã ra vị trí vợ bị nạn cùng lực lượng chức năng tìm kiếm suốt hai ngày đêm. "Cái dáng người gầy gò cứ chạy ngược xuôi kêu tên vợ " Hương ơi, em ở mô thì về với cha con anh". Người thân của cô giáo Hương lập bàn thờ trên một doi đất sát cánh đồng Sa Mực bái vọng hương hồn cô trong nước mắt: "Con sống khôn chết thiêng thì để mọi người tìm thấy đưa con về nhà, đồng nghiệp của con đã về ngày hôm qua rồi con tề… Hương con đi mô mãi rứa..". Như thấu được tấm lòng của người ở lại, đến gần 11h ngày 17-10 thi thể của cô giáo Đinh Hương đã được lực lượng chức năng tìm thấy ở rặng bạch đàn cách nơi tìm thấy của cô Lộc khoảng 100m. Gia đình chị Hương cho biết, trước kia chị công tác ở Trường Tiểu học Nông trường Việt Trung, đợt này luân chuyển công tác nên chị được phân về dạy ở Trường Tiểu học Liên Trạch, cách nhà hơn 50km nên chị phải ở lại tạm trú, cứ cuối tuần được nghỉ dạy là chạy vội về thăm chồng con. Mới ra đây được 2 tháng thì xảy ra cơ sự, đau lòng quá. Căn nhà mới xây còn chưa hoàn thiện, bên ngoài vẫn còn chưa kịp quét nước sơn. Người hàng xóm cạnh nhà vừa quệt nước mắt vừa nói: "Hai vợ chồng nhà nó tội lắm, trước kia vì hoàn cảnh còn khó khăn nên phải ở khu tập thể dành cho cán bộ bộ đội, sau vài năm chắt chiu mới dựng được ngôi nhà, giờ nhà xây chưa xong thì nó đã ra đi".

Vẫn chưa thể nói hết những thiệt hại, mất mát của người dân Quảng Bình ở thời điểm này. Bởi có thể còn quá sớm khi mà đến 23h đêm qua, Quảng Bình vẫn đang oằn mình trong cơn mưa xối xả chưa dứt.

Bài và ảnh: Ngọc Hải - Chí Đạo