Trông chờ Quốc hội quyết nghị nhiều vấn đề nóng
Chính trị - Ngày đăng : 06:20, 19/10/2013
Dư luận mong muốn, dù họp cho ý kiến trực tiếp hay gián tiếp, các ĐBQH cũng sẽ đánh giá kịp thời các chính sách đã, đang tác động đến doanh nghiệp và người dân và có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Chu Sơn Hà phát biểu trong buổi thảo luận ở hội trường tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Viết Thành |
Bổ sung nhiều vấn đề nóng
Để bảo đảm các tầng lớp nhân dân có thể tiếp cận sát sao việc các ĐBQH thảo luận, cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và những vấn đề nóng của đất nước, tại kỳ họp thứ sáu tới, Văn phòng QH đã đề nghị Ủy ban Thường vụ QH tổ chức thảo luận tại hội trường, có phát thanh, truyền hình trực tiếp nhiều vấn đề quan trọng. Tiêu biểu là việc giải trình, tiếp thu ý kiến các tổ chức, cá nhân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, việc triển khai các nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn. Bên cạnh đó, thể theo đề nghị của ĐBQH, ngoài 25 báo cáo gửi các đoàn tự nghiên cứu, các nội dung về xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2006-2012; tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản, thực hiện Luật Quản lý thuế, Luật Quản lý giá, trong đó tập trung vào việc quản lý và bình ổn giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân như: Xăng dầu, điện, khí dầu mỏ hóa lỏng (gas), phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng có thể được bổ sung. Hướng giải quyết đối với giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh tăng giá được cập nhật những thông tin mới nhất. Kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nghị quyết của QH, báo cáo của Viện KSND Tối cao về tình hình xử lý các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng mà cử tri và nhân dân quan tâm (vụ án Vinashin, Vinalines; vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên…) cũng nằm trong danh sách các vấn đề có thể được gửi cho từng đoàn.
Cũng trong chương trình kỳ họp, những thông tin về kết quả công tác của những người được đề cử giữ những vị trí quan trọng sẽ được tổng hợp, thảo luận công khai để mỗi ĐBQH đánh giá. Nếu không có gì thay đổi, ngày 14-11, nước ta sẽ có Phó Thủ tướng Chính phủ mới thay thế Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã được cử làm Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam.
Giải quyết tận gốc những bất cập của nền kinh tế
Trước sự thay đổi tích cực trên, ông Đoàn Chí Kiên, cử tri phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) cho rằng, các ĐBQH, dù mới hay cũ, đều vừa là người dân, là công chức hoặc nhà doanh nghiệp, lại được nắm những thông tin nhiều chiều, từ báo chí, phản ánh của người dân và các văn bản chính thống của QH, Chính phủ… Đây chính là cơ sở quan trọng để ĐBQH thay mặt cử tri lựa chọn nhân sự, đối thoại, phản biện với các bộ, ngành chức năng về các vấn đề kinh tế - xã hội nóng bỏng đang đặt ra. Và trong bối cảnh 9 tháng đầu năm, nền kinh tế "uống" nhiều "toa thuốc" chống suy thoái kinh tế, kích cầu sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; 42.459 doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động. Điều quan trọng nhất đặt ra là phải tìm cách giải quyết tận gốc những bất cập của nền kinh tế vì cứ tiếp diễn tình trạng này cộng với nền kinh tế thế giới chưa phục hồi, có khả năng nước ta không hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết của QH về Kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Vậy đâu là vấn đề cấp bách hàng đầu đòi hỏi Chính phủ, QH tập trung giải quyết trong kỳ họp sắp tới? Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu, một số ý kiến chuyên gia lưu ý, dù lạm phát giảm, nhập khẩu giảm, nhập siêu không đáng kể nhưng không phải là tín hiệu phục hồi vững chắc của nền kinh tế. Trước mắt, QH cần tiếp tục hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải cách thể chế kinh doanh. Song song với đó, nên tổng kết đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào các nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu đầu tư công, tài chính công để khắc phục sự đầu tư dàn trải trong nhiều năm qua. Năm 2014, Chính phủ nên điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khoảng 5,5% sẽ tránh tạo áp lực lạm phát; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 6%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30-31% GDP; tăng tín dụng ở mức 14-15%; đầu tư từ ngân sách tăng ít nhất 10%.
Qua tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội còn cho biết, nhiều người dân đề xuất, để thúc đẩy nền kinh tế đất nước, trước tiên cần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh ở từng hộ gia đình. Hiện nhiều quy định chưa thật sự phù hợp nên các hộ nông dân, các hợp tác xã vẫn khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ cụ thể (bao gồm cả chính sách hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng). Do đó, trước mắt, QH có thể cải cách kinh tế bắt đầu từ việc đề ra các chính sách phù hợp với các đối tượng trên.