Rõ tính đồng bộ, khoa học, khả thi

Thể thao - Ngày đăng : 07:11, 18/10/2013

(HNM) - Làm thế nào để TDTT Hà Nội tiếp tục duy trì vị thế cao ở trong nước, góp phần nâng cao vị trí xếp hạng của quốc gia trên đấu trường thể thao quốc tế? Cần quy hoạch phát triển TDTT Thủ đô ra sao để đáp ứng nhu cầu luyện tập TDTT?...

Ảnh minh họa



Quy hoạch phát triển TDTT TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nếu được hoàn thành sẽ giúp các nhà quản lý và chuyên môn có căn cứ khoa học để phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của Thủ đô. Chính vì vậy, các nhà khoa học tham dự hội thảo đều nhiệt tình đóng góp ý kiến thiết thực.

PGS Lâm Quang Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT nêu ý kiến: Việc xây dựng quy hoạch của TDTT Hà Nội cần lưu ý đến 5 tiêu chí quan trọng, bao gồm tính hệ thống, đồng bộ, khoa học, khả thi và đặc biệt là tính đột phá trong đầu tư. Ông Lâm Quang Thành nhấn mạnh: "Hà Nội sẽ có huy chương Olympic hay không? Năm nào, ai, bộ môn nào sẽ giành HCV Olympic? Chỉ tiêu tại ASIAD 18-2019 ra sao?... Tất cả những điều ấy đều cần được đề cập một cách mạnh dạn, rõ ràng. Nói đề cao tính khả thi và sự đột phá là vì vậy". Theo TS Lê Đức Chương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ & Môi trường (Bộ VH,TT&DL), có 5 vấn đề cần bàn sâu trong việc xây dựng quy hoạch, bao gồm quy hoạch về nhân lực, nguồn tài chính, cơ sở vật chất, khoa học công nghệ và thiết chế TDTT. Ông Lê Đức Chương lưu ý: "Ngoài quy hoạch về xây dựng lực lượng VĐV, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ quản lý, HLV, bác sĩ thể thao cũng cần có chỉ tiêu cụ thể".

Muốn phát triển TDTT hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần có cách huy động nguồn lực tài chính bền vững. Tuy nhiên, đó là vấn đề không đơn giản. Ông Lê Đức Chương phân tích: Hiện nay, ngoài chuyện phụ thuộc vào ngân sách, ngành TDTT đang ở thế bị động trong việc huy động nguồn tài trợ, nguồn kinh phí xã hội hóa. Yêu cầu đặt ra, cần đưa vào nội dung quy hoạch là phải biến thế bị động thành chủ động, hướng tới xây dựng một nền công nghiệp thể thao, nghĩa là bản thân ngành TDTT phải chủ động vào cuộc, làm tốt hoạt động kinh tế thể thao, khai thác nguồn lợi từ bản quyền truyền hình các chương trình thể thao, xổ số thể thao…

Liên quan đến việc chuẩn bị lực lượng VĐV cho ASIAD 18 - Hà Nội-2019, TS Hoàng Công Dân - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Thể thao Việt Nam nêu ý kiến: 6 năm nữa là đến ASIAD 18-2019, tức là chỉ còn một chu kỳ ngắn huấn luyện, vì vậy, việc xây dựng lực lượng phải nhắm vào nhóm VĐV tài năng và đầu tư thật mạnh tay. Chẳng hạn như những VĐV trọng điểm nhóm 1, có khả năng giành HCV ASIAD và Olympic thì nếu cần, có thể dành hẳn khoản kinh phí đủ để thuê chuyên gia nước ngoài giỏi và bố trí cho VĐV tập huấn trong môi trường hiện đại, chuyên nghiệp, có chế độ dinh dưỡng hợp lý và có bác sĩ thể thao chăm sóc. Cũng cần lưu ý xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp, bảo đảm "đầu ra" cho các VĐV, khuyến khích, động viên các em yên tâm tập luyện và thi đấu…

Còn nhiều ý kiến được nêu ra tại hội thảo nhằm góp ý xây dựng Quy hoạch phát triển TDTT của TP Hà Nội, trong đó có yêu cầu thực hiện quy hoạch một cách nhất quán, kiên trì hướng tới mục tiêu đề ra. Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Nguyễn Đình Lân ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, coi đó là cơ sở quan trọng để Sở VH,TT&DL hoàn chỉnh quy hoạch.

Mai Hoa