Nhiều triệu đàn ông sẽ ế vợ
Xã hội - Ngày đăng : 07:06, 18/10/2013
Tình trạng mất cân bằng giới tính đang gia tăng. Ảnh: Phương Thảo |
Nam giới "ế ẩm"
Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, tỷ số giới tính khi sinh được tính theo tỷ lệ bé trai/100 bé gái được sinh ra trong cùng một khoảng thời gian. Tỷ số giới tính khi sinh bình thường là 104-106 bé trai (trung bình là 105 trẻ trai/100 bé gái). Nếu số bé trai sinh ra từ 107 trở lên so với 100 bé gái sinh ra trong cùng thời điểm đó thì tình hình đã ở mức báo động, nghĩa là tình trạng mất cân bằng giới tính đã xảy ra.
Kể từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh của nước ta luôn ở mức trên 110 và đó thực sự là mối quan tâm của toàn xã hội. Thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ cho thấy, tại Việt Nam, MCBGTKS đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái vào năm 2000 lên mức 112,3 bé trai/100 bé gái vào năm 2012. Điều đáng lưu ý là xu hướng này đang tiếp tục gia tăng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác DS-KHHGĐ song Hà Nội cũng đang phải đối mặt với tình trạng MCBGTKS. Nguyên nhân chính là ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng "trọng nam", mong muốn có con trai để nối dõi tông đường hoặc cần có nhân lực để phát triển, duy trì nghề gia truyền và kinh tế hộ gia đình. Theo báo cáo về tình hình thực hiện công tác DS-KHHGĐ 9 tháng năm 2013 của Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, nhiều nơi, đặc biệt là khu vực ngoại thành, có tỷ số MCBGTKS rất cao, có nơi trên mức 120 trẻ trai/100 trẻ gái như ở Gia Lâm (129/100), Mỹ Đức (124/100), Hà Đông (123/100), Ứng Hòa (122/100) và Mê Linh (122/100).
Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy lý giải, hiện nay, do chế độ an sinh xã hội chưa bảo đảm, 70% dân số nước ta còn sống ở nông thôn, hầu hết không có lương hưu khi về già, họ cần sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cái mà theo quan niệm thường thấy ở xã hội hiện nay, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai. Bên cạnh đó, những chuẩn mực về gia đình quy mô nhỏ (chỉ có 1 - 2 con) đã tạo áp lực nhất định cho các cặp vợ chồng. Họ phải bảo đảm "định mức" về số con trong khi đa số mong muốn có được con trai trong số đó. Bởi vậy, nhờ sự tiến bộ của y học hiện đại, nhiều gia đình đã áp dụng kỹ thuật trước, trong và sau khi có thai để chẩn đoán giới tính thai nhi, thậm chí là chọn giải pháp phá thai nhằm chọn lọc giới tính. Những yếu tố nói trên khiến cho tình trạng MCBGTKS thêm nặng nề, không dễ khắc phục.
Nguy cơ "nhập khẩu" cô dâu?
Điều đáng lo ngại là tình trạng MCBGTKS của Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh nhiều nước cũng rơi vào tình trạng này, đang phải đối mặt với hệ lụy của nó. Hằng năm, các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc phải đã "nhập khẩu" cô dâu nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của số nam giới đến tuổi trưởng thành muốn lập gia đình.
Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng "thừa nam, thiếu nữ" trong vòng 10-15 năm nữa. TS Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh, nếu không có những biện pháp can thiệp hiệu quả để giảm mức độ MCBGTKS thì sau 20 năm nữa, khoảng 4,3 triệu thanh niên nước ta cũng sẽ ít có cơ hội lấy được vợ trong nước. Thậm chí, một số hậu quả có thể thấy trước là tình trạng MCBGTKS sẽ làm gia tăng sự bất bình đẳng giới, phụ nữ kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn và tảo hôn cao, bạo hành giới, mua bán dâm, buôn bán phụ nữ có thể gia tăng… Tuy nhiên, điều đáng bàn hiện nay là sự nguy hại của tình trạng MCBGTKS chưa được nhận biết rộng rãi. Thêm vào đó, việc tuyên truyền, thực hiện pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi còn nhiều hạn chế, công tác thanh kiểm tra về xử lý các trường hợp vi phạm chính sách dân số, siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Từ thực trạng và thách thức nói trên, thời gian qua, ngành dân số Thủ đô đã tăng cường cung cấp thông tin, giáo dục - truyền thông về giới, bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho các đối tượng liên quan trực tiếp trong việc lựa chọn giới tính. Điều cần thực hiện sớm là thiết lập hệ thống thông tin, báo cáo định kỳ, thực hiện các cuộc nghiên cứu, khảo sát về MCBGTKS nhằm đề xuất giải pháp phù hợp cho giai đoạn 2016-2020. Ngành dân số Thủ đô đã phối hợp với thanh tra liên ngành của Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế, tiến hành kiểm tra các nhà sách, nhà xuất bản về các ấn phẩm có nội dung tuyên truyền về lựa chọn giới tính thai nhi. Ngành cũng đã chỉ đạo phòng y tế các quận, huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân về việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Công tác đẩy mạnh truyền thông ở các địa bàn có tỷ lệ MCBGTKS cao là nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2013 của ngành dân số Thủ đô, bao gồm cả việc khen thưởng, động viên kịp thời đối với các tập thể, cá nhân thực hiện tốt các chính sách, nội dung kiểm soát MCBGTKS.
Thực tế đòi hỏi một giải pháp quyết liệt cho vấn đề hạn chế mức độ MCBGTKS và việc thực hiện nghiêm túc giải pháp đó trên phạm vi toàn quốc.