Xương rồng vẫn nở hoa

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:40, 18/10/2013

(HNM) - Chị là Nguyễn Thị Lan Anh - Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng ACDC, người vừa được nhận Giải thưởng Tầm nhìn phụ nữ 2013 do Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế Hà Nội HIWC trao tặng.

Đây là giải thưởng thường niên dành cho những phụ nữ thông qua nỗ lực bản thân để biến ý tưởng có ích cho cộng đồng thành hiện thực. Mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, người phụ nữ này không chỉ tự lo được cho mình một cuộc sống ổn định mà còn hỗ trợ cho hàng trăm người khuyết tật khác vươn lên, giống như nhánh xương rồng mạnh mẽ vẫn nở hoa trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh tại triển lãm của người khuyết tật.



Đồng hành cùng người khuyết tật

Trong căn hộ rộng rãi là trụ sở của ACDC trên đường Nguyễn Trãi - quận Thanh Xuân, câu chuyện giữa chúng tôi diễn ra trong tiếng chuông điện thoại đổ liên hồi. Những câu chuyện của người khuyết tật (NKT) trên khắp mọi miền đất nước với các luật sư của ACDC là muôn vàn những tình huống trong cuộc sống, có những chuyện cần giải đáp thắc mắc liên quan đến những quy định của pháp luật nhưng cũng có những cuộc điện thoại gọi đến chỉ mong một sự chia sẻ, cảm thông. Lan Anh bảo, thời gian tới Trung tâm cần phải tuyển thêm ít nhất hai luật sư nữa, công việc tư vấn pháp luật miễn phí cho NKT ngày càng nhiều, đó là một tín hiệu đáng mừng vì ngày càng có nhiều NKT quan tâm đến các vấn đề xã hội, vươn lên làm chủ cuộc sống của chính mình.

Được thành lập vào cuối năm 2011, ACDC là thành quả của Lan Anh và bạn bè sau hơn mười năm chị tham gia hỗ trợ NKT tại Diễn đàn Người khuyết tật Việt Nam. Bản thân là một NKT cùng những năm tháng lặn lội, gắn bó với hàng trăm mảnh đời thiệt thòi khác, hơn ai hết chị thấu hiểu NKT cần gì, nghĩ gì. Trung tâm ACDC ra đời với ước nguyện duy nhất của chị và những người bạn là giúp những NKT vui sống, hòa nhập tốt với cộng đồng. Mong muốn ấy được cụ thể hóa thành những công việc chị và cộng sự làm hàng ngày như tư vấn pháp luật miễn phí cho NKT qua tổng đài điện thoại 043.5643053, thư điện tử hoặc trực tiếp tại văn phòng; vận động chính sách cho NKT; đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên khuyết tật, bảo vệ quyền lợi cho trẻ em khuyết tật và phát triển sinh kế bền vững…

Hiện nay, Trung tâm ACDC gồm 10 thành viên, trong đó có đến 5 NKT, còn lại là những người có người thân trong gia đình sinh ra đã kém may mắn, nên họ luôn có sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với những NKT. Nói về bản thân mình và những NKT, chị Lan Anh chia sẻ chân thành: "Từ trước đến nay, nhiều người mặc định NKT là những người luôn cần sự giúp đỡ, người nhận các hành động từ thiện của cộng đồng mà không nghĩ rằng NKT cũng có những đóng góp cho xã hội, thậm chí còn đóng góp xuất sắc hơn người bình thường. Như tại ACDC, có nhiều bạn khuyết tật là thủ khoa, á khoa các trường đại học, có bạn còn trở thành đảng viên ngay từ năm thứ nhất trong trường đại học. Quan trọng là chúng ta tạo cho các bạn ấy một cơ hội, họ sẽ làm việc rất tốt vì bản thân họ luôn mong được cống hiến, mong làm người có ích".

Hằng ngày, Trung tâm thường xuyên nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của NKT từ khắp nơi gọi đến. Công việc tư vấn tưởng như đơn giản toàn những việc mà nếu không có sự cảm thông, thấu hiểu thì khó mà có thể làm được. Đó đơn giản chỉ là làm thế nào để đi xuống bậc thang cho an toàn hoặc "gỡ nút" cho những tình cảm, ứng xử trong cuộc sống hàng ngày của NKT, tư vấn về kiến thức sức khỏe sinh sản, địa điểm dạy nghề cho NKT… Cho dù việc đi lại hết sức khó khăn, chị Lan Anh cùng các đồng nghiệp vẫn thường phối hợp với các tổ chức đoàn thể đi đến nhiều nơi vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên hay Ba Vì (Hà Nội) để tư vấn và giảng dạy trực tiếp cho NKT về các kỹ năng sống, giải đáp những thắc mắc liên quan đến chế độ bảo hiểm, trợ cấp xã hội cho NKT, những quy định của pháp luật thông qua các vụ việc cụ thể… Hiện Lan Anh còn là giáo viên đứng lớp chính trong các lớp tập huấn về an toàn giao thông, sức khỏe sinh sản do Trung tâm phối hợp với các tổ chức Hội Người mù, Hội NKT… tổ chức tại nhiều địa phương.

Đi nhiều và bằng những trải nghiệm sống của chính mình, Lan Anh thấu hiểu tâm tư tình cảm của NKT, đặc biệt là những người phụ nữ khuyết tật đơn thân. Tình cảm này nung nấu trong chị việc thực hiện dự án "Xương rồng vẫn nở hoa", bao gồm nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật đơn thân trên địa bàn Hà Nội, trong đó có triển lãm cùng tên được tổ chức tại Trung tâm Phụ nữ và phát triển vào tháng 9-2012. Triển lãm đã trưng bày, khắc họa cuộc sống thường nhật của hàng trăm phụ nữ khuyết tật đơn thân, từ đó giúp người xem đồng cảm, chia sẻ với những số phận bất hạnh. Ròng rã hơn ba tháng trời lăn lộn cùng nhóm dự án tìm đến từng nhà NKT vận động, thăm hỏi, thu được hàng trăm bức ảnh, thước phim chân thật, sống động, triển lãm đã tạo được sự chú ý quan tâm của xã hội. Quan trọng hơn, những công việc của chị và ACDC đã giúp cộng đồng hiểu về nghị lực sống của những phụ nữ khuyết tật đơn thân, mở ra cơ hội cho họ trong tương lai và nhất là để họ không còn cảm thấy cô đơn trong thế giới của mình.

Đi lên từ tuổi thơ gian khó

Tuổi thơ của Lan Anh là những chuỗi ngày lặng lẽ ngồi trong nhà, nhìn ra khoảng trời nhỏ trước sân mà mơ ước. Trong khi bao bạn bè cùng trang lứa chạy nhảy khắp nơi thì căn bệnh xương thủy tinh đã cướp đi của chị niềm vui bình dị ấy. Gia cảnh nghèo khó, bố mẹ đều là công nhân của Nhà máy Diesel Sông Công - Thái Nguyên, lên 8 tuổi, chị mới được đến trường sau nhiều nước mắt của chị và sự nỗ lực của cả nhà. Không có tiền sắm cho chị chiếc xe lăn, bà ngoại hàng ngày vượt qua 2km đường bất kể nắng mưa để cõng chị đến lớp. Sau đó, cảm phục cô bạn nhỏ ham học, các bạn đã thay phiên nhau đưa Lan Anh đến trường. Đến tận năm lớp 9, Lan Anh mới có một chiếc xe lăn. Nhưng sau đó, hành trình vào cấp ba, rồi đến những năm học đại học ở Hà Nội, chị vẫn phải nhờ cậy bạn bè vì ngày đó chưa có đường hay phương tiện dành riêng cho NKT.

Như một lời cảm ơn chân thành đến gia đình, bạn bè, Lan Anh học giỏi đều các môn và liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi trong nhiều năm. Cách đây hơn mười năm, một học sinh khuyết tật trúng tuyển Trường Đại học Ngoại ngữ đã là một kỳ tích, kỳ tích hơn khi chị ra trường với tấm bằng cử nhân ngoại ngữ loại giỏi. Đến năm 2010, chị lại hoàn tất chương trình Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Song song với thời gian đó, chị mang hết tâm huyết của mình giúp đỡ cho NKT tại Diễn đàn NKT Việt Nam, thuộc Trung tâm Sáng tạo khoa học công nghệ. Khả năng ngoại ngữ tốt là một lợi thế giúp chị được phân công tham gia các chương trình, dự án với nhiều nước trên thế giới. Con số 15 quốc gia chị từng đặt chân tới cũng đã phần nào nói lên nghị lực của người phụ nữ này.

Giờ thì chị đã có một mái ấm cho riêng mình với một cậu con trai 5 tuổi kháu khỉnh và người chồng biết thấu hiểu, sẻ chia. Phải gắn bó với chiếc xe lăn suốt đời, nhưng điều đó không ngăn cản bước chân chị tìm đến với những mảnh đời thiệt thòi khác. Trao Giải thưởng Tầm nhìn phụ nữ 2013, bà Paulina Pineda - Chủ tịch HIWC đã nói: "Để đạt được ước mơ của mình, người ta cần trí tưởng tượng, ý chí, lòng dũng cảm và lòng tin vào bản thân, Lan Anh chắc chắn có đủ các phẩm chất đó. Với cá nhân tôi, Lan Anh giúp tôi nhận thức được rằng rào cản nhiều khi nằm trong nhận thức chứ không phải trong cơ thể chúng ta. Tấm gương của Lan Anh khiến ta tự hỏi về vai trò và những đóng góp của mình trên thế giới này. Chúng ta có thể làm được gì để tạo ra sự thay đổi dù là nhỏ nhặt, cho sự tốt đẹp lớn lao này?".

Văn Ngọc Thủy