“Bờ xôi, ruộng mật” biến thành... đất ở

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:40, 17/10/2013

(HNM) - Hàng trăm vụ vi phạm đất đai kéo dài, không ngừng tăng, nhưng chính quyền xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai lại không

Nhà 3 tầng "mọc" trên vùng đất trồng cây ăn quả và chăn nuôi tập trung ở Yên Nội.



Hàng trăm ngôi nhà "mọc" trên đất chuyển đổi.

Con đường liên xã, đi từ xã Đồng Quang đến Trại Ba Nhà, xã Yên Sơn (Quốc Oai) khá lãng mạn dưới rặng nhãn xum xuê, uốn lượn giữa thảm thực vật xanh của vùng bãi. Bám theo con đường ấy, giữa vùng đồng bãi mênh mông của thôn Yên Nội, xã Đồng Quang là những ngôi nhà "mọc" lên không theo một trật tự nào. Theo người dân thôn Yên Nội, trên địa bàn thôn hiện có 214 hộ xây nhà trên đất nông nghiệp với tổng diện tích lên đến 15.275m2, trong đó có 38 hộ xây nhà trên đất nông nghiệp ở bên vùng đồng, số còn lại nằm bên vùng bãi. Nhiều hộ xây nhà với diện tích lên đến cả trăm mét vuông như hộ ông Nguyễn Đình Hòa - 296m2 ở xứ đồng Bến Đò, Nguyễn Văn Thà - 221m2, Phí Hữu Luyện - 196m2, Nguyễn Văn Tuấn - 361m2; Vương Văn Sơn - 288m2… Trong số 214 hộ này có 129 hộ ăn ở, sinh hoạt ổn định từ nhiều năm nay… Người dân đã đặt câu hỏi: Vì sao lại có chuyện ồ ạt "trồng" nhà trên vùng đất được quy hoạch để trồng cây ăn quả và chăn nuôi tập trung? Có hay không việc lãnh đạo địa phương "bật đèn xanh" và "tiếp tay" cho vi phạm?...

Lý giải thực trạng đó, ông Vương Văn Chức, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Quang cho biết: Xuất phát điểm của việc xây nhà trên đất nông nghiệp bắt đầu từ chủ trương của UBND huyện Quốc Oai cho phép xã Đồng Quang chọn đất bãi thành vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng năm 1995. Theo đó, UBND huyện Quốc Oai có chủ trương chuyển đổi 6ha đất bãi thôn Yên Nội thành vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã. Lúc bấy giờ, có 26 hộ sang vùng bãi nhận đất sản xuất (mỗi hộ được chia 7 sào). Theo tìm hiểu của phóng viên, trong "Hợp đồng kinh tế" được ký kết giữa hộ sản xuất với Trưởng thôn và đại diện HTX Nông nghiệp Yên Nội ghi rõ: Người nhận hợp đồng được xây dựng nhà cấp 4 để trông nom, sản xuất rau màu trên diện tích 24m2… Quy định rõ ràng bằng giấy trắng mực đen như vậy nhưng vì lý do "đất chật, người đông" cộng với việc quản lý của chính quyền sở tại lỏng lẻo, giám sát thiếu chặt chẽ… nên ngay sau khi hợp đồng được ký kết, các hộ đã tiến hành xây nhà, trong đó hầu hết xây vượt diện tích được cấp thẩm quyền cho phép (24m2/hộ). Không những thế, có hộ còn xây đến 3 ngôi nhà trên diện tích được ký hợp đồng chỉ để trồng màu?.

Chính quyền sở tại buông xuôi?

Qua gần 20 năm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đi vào cuộc sống, đến nay trên các xứ đồng bãi của thôn Yên Nội đã như một khu dân cư với hơn 200 nóc nhà, trong đó có không ít nhà mái bằng kiên cố, thậm chí cả nhà cao tầng nhưng không bị xử lý. Lý giải tại sao chính quyền địa phương không xử lý, ông Vương Văn Chức cho rằng, những vi phạm cũ tồn tại quá nhiều, người dân chỉ nghĩ đơn giản, người trước làm được, thì người sau cũng sẽ làm được… Cứ vậy, vi phạm nối tiếp vi phạm, nay muốn xử lý phải xử lý đồng loạt. Mặc dù chính quyền địa phương cũng rất cương quyết, lập biên bản đình chỉ thi công, thu giữ vật liệu xây dựng, nhưng các hộ cố tình lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ để hoàn thiện công trình gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Để có số liệu chính xác, chúng tôi đã đề nghị UBND xã Đồng Quang cung cấp báo cáo về thực trạng vi phạm đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn, nhưng sau nhiều lần "hứa hẹn", cuối cùng UBND xã vẫn không thể cung cấp, với lý do chưa tổng hợp kịp (!?).

Những vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng ở thôn Yên Nội chỉ thực sự "bùng nổ" khi trên vùng trồng màu ở đồng Quan Viên, thuộc vùng bãi Yên Nội bỗng dưng xuất hiện hai ngôi nhà 3 tầng sừng sững "mọc" lên vào thời điểm tháng 5 và 6 năm 2013. Hai hộ dân ngang nhiên xây nhà 3 tầng có vị trí gần sát nhau và nằm ngay mặt đường liên xã Đồng Quang - Yên Sơn. Không phải cái kim, cũng chẳng phải "ngôi nhà xây xong trong một đêm", vậy nhưng công trình cứ mọc lên cao mãi như thách thức dư luận. Sau gần 5 tháng kể từ ngày các hộ đặt viên gạch đầu tiên, đến nay cả hai ngôi nhà cao tầng đã hoàn thiện. Thế nhưng hồ sơ vi phạm của mỗi công trình do cán bộ UBND xã Đồng Quang cung cấp cho phóng viên chỉ vỏn vẹn có một biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, một quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức "cảnh cáo" và một biên bản đình chỉ xây dựng trái phép trên đất chuyên màu đối với người vi phạm là ông Nguyễn Sơn Trường và Nguyễn Thế Hải (đều ở thôn Yên Nội).

Có hay không việc cán bộ chuyên môn và chính quyền xã "tiếp tay" cho vi phạm, hay chính quyền buông xuôi? Để trả lời nghi vấn, chúng tôi đã có buổi làm việc với Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện. Tại buổi làm việc, chúng tôi được cung cấp thêm một số văn bản gồm: Báo cáo của Thanh tra Xây dựng huyện về vi phạm đất đai tại vùng bãi thôn Yên Nội, xã Đồng Quang đối với hộ ông Trường, ông Hải; Văn bản của UBND huyện Quốc Oai chỉ đạo xử lý vi phạm pháp luật đất đai tại xã Đồng Quang. Theo những văn bản kể trên thì công trình của ông Nguyễn Sơn Trường được xây dựng từ tháng 5-2013 trên diện tích 48,4m2 và công trình của ông Nguyễn Thế Hải khởi công vào tháng 6-2013 với diện tích vi phạm 60,5m2.

Vượt thẩm quyền xã?

Mặc dù UBND xã Đồng Quang đã lập một số biên bản liên quan đến vi phạm của hộ ông Hải và ông Trường, thế nhưng cuối tháng 9-2013, khi có mặt tại khu vực khu Quan Viên, chúng tôi vẫn thấy một nhóm thợ đang hoàn thiện 2 công trình?. Được biết, do đây là những vi phạm trong lĩnh vực đất đai, nên Thanh tra Xây dựng huyện đã báo cáo UBND huyện Quốc Oai từ đầu tháng 8-2013. Sau báo cáo của Thanh tra Xây dựng huyện gần nửa tháng, đến ngày 19-8-2013, UBND huyện Quốc Oai mới có văn bản số 842/UBND-TNMT gửi Phòng Tài nguyên Môi trường huyện và UBND xã Đồng Quang, chỉ đạo xử lý vi phạm đất đai tại Đồng Quang. Tại văn bản này, UBND huyện giao Phòng Tài nguyên Môi trường huyện hướng dẫn, đôn đốc UBND xã Đồng Quang xử lý vi phạm và yêu cầu UBND xã Đồng Quang báo cáo UBND huyện trước ngày 30-8-2013. Tuy nhiên, đến nay UBND xã Đồng Quang chưa có báo cáo về 2 vi phạm trên (?).

Ông Phùng Văn Tài, Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Quốc Oai cũng thừa nhận: Sau văn bản chỉ đạo của UBND huyện (19-8-2013), đến nay Phòng chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể về việc này đối với xã Đồng Quang, mà mới chỉ đôn đốc qua điện thoại. Hơn nữa, cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Quốc Oai cũng chưa một lần đến thực địa để "mục sở thị" công trình vi phạm đến mức nào (?). Trong khi đó, nói về việc cưỡng chế vi phạm đất đai và trật tự xây dựng nói chung trên địa bàn và 2 hộ mới xây dựng tại khu Quan Viên thì ông Vương Văn Chức lại cho rằng: Việc xử lý các vi phạm đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn thôn Yên Nội xảy ra từ năm 1998 đến nay là quá khó, vượt khả năng của chính quyền; còn đối với hộ ông Hải, ông Trường, việc xử lý đã vượt thẩm quyền của UBND xã, phải chờ ý kiến chỉ đạo của UBND huyện…

Ngoài hai trường hợp xây dựng "đình đám" nói trên, năm 2013, toàn xã Đồng Quang còn có khoảng 10 trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp và phần lớn đều nằm ở thôn Yên Nội. Tuy nhiên, đến nay số vi phạm này cũng chưa có hướng xử lý cụ thể cho dù đều thuộc thẩm quyền của UBND xã Đồng Quang? Điều này cho thấy lãnh đạo xã Đồng Quang không kiên quyết xử lý vi phạm và có lẽ còn "mượn cớ" có quá nhiều tồn tại cũ nên không "ra tay" với vi phạm mới… Để rồi, những hậu quả nặng nề lại tái diễn, vùng chuyển đổi quy hoạch lại bị "băm nát" bởi chính sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương.

Ai cũng biết, nếu vi phạm bị xử lý kiên quyết ngay từ khi công trình đặt viên gạch đầu tiên, thì đến nay đâu đến mức "khó" như cán bộ xã đang biện minh như ở trên? Thử hỏi, nếu tình trạng vi phạm đất đai tại xã Đồng Quang không được xử lý triệt để thì quy hoạch vùng trồng cây ăn quả và chăn nuôi tập trung ở xã Đồng Quang còn ý nghĩa gì và sẽ còn bao nhiêu "bờ xôi, ruộng mật" của người dân sẽ tiếp tục bị biến thành đất ở?

Thiện Minh