Chống thiên tai, chặn ”nhân tai”

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 17/10/2013

(HNM) - Khúc ruột miền Trung những ngày này lại oằn mình trong bão lũ. Chỉ trong hơn chục ngày, hai cơn bão lớn nhất trong nhiều chục năm qua đã đổ bộ vào khu vực này.



Cuối tháng 9, bão số 10 quét qua gây ra những thiệt hại nặng nề. Hàng chục người thiệt mạng và mất tích, hàng trăm người bị thương; hàng trăm nghìn ngôi nhà, trường học, trạm y tế bị tốc mái, sập đổ, ngập sâu trong nước; hàng trăm nghìn héc ta lúa, hoa màu bị hỏng… Chưa kịp "hoàn hồn", miền Trung lại đón tiếp bão số 11, quần thảo suốt từ đêm 14-10 đã tàn phá một dải từ Quảng Ngãi ra đến Quảng Bình, biến những vùng đất đẹp và thơ mộng như Đà Nẵng, Hội An trở thành xơ xác, tiêu điều. Lại người chết, lại nhà sập, lại trắng trời nước lũ…

Sức tàn phá ghê gớm của thiên tai đã làm "biến dạng" cuộc sống, khắc sâu nỗi đau của mỗi con người miền Trung. Cứ như vậy, sau mưa bão là lũ lụt. Giữa mênh mông biển nước, người ta chỉ còn thấy bóng dáng nhòa mờ của những nóc nhà nhấp nhô, ở đó có hàng nghìn hàng vạn số phận đang ngoi ngóp, lay lắt. Bão chồng bão, lũ chồng lên lũ. Chỉ quét qua trong chốc lát, nhưng bão lũ cuốn đi tất cả những gì người dân chắt chiu có được, để lại phía sau bao xót xa, đau đớn đến nghẹn lòng.

Và cứ sau một "cơn thịnh nộ của thiên nhiên" thì cả nước lại chung một tấm lòng, gửi gắm sẻ chia với những mất mát của miền Trung. Lúc này, truyền thống tương thân tương ái của người Việt như được thể hiện mãnh liệt nhất. Mỗi người đều mong góp một phần nhỏ mong làm vơi đi nỗi đau, giúp người dân vùng bão lũ vượt qua khó khăn, bĩ cực để ổn định cuộc sống.

Mọi sự chia ngọt sẻ bùi là cần thiết, song chỉ thế thôi thì chưa đủ. Đặc điểm lũ lụt ở vùng đất này từ muôn đời đã như vậy. Do đó ngoài việc chung tay khắc phục hậu quả sau mỗi cơn bão lũ, thì việc chủ động tính kế lâu dài cần thiết phải được đặt làm trọng.

Bão tố do "trời sinh" là chuyện khó tránh. Nhưng lũ thì khác, ai cũng hiểu, một trong những nguyên nhân gây lũ lớn, xảy ra nhanh, trên diện rộng là do rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ bị khai thác bừa bãi và việc quy hoạch, xây dựng công trình chưa đủ sức tạo thành tuyến ngăn lũ, hoặc điều tiết lũ hiệu quả. Chúng ta đã có rất nhiều bài học đau xót về hậu quả lũ lụt từ quản lý, vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện gây ra nghiêm trọng trong những năm qua. Nhưng xem ra việc áp dụng các giải pháp khắc phục vẫn chưa mấy được cải thiện.

Thực tế, các công trình hồ thủy lợi, thủy điện về nguyên tắc phải bảo đảm cắt giảm lũ cho vùng hạ lưu. Thế nhưng, hiện vẫn tồn tại nghịch lý là hồ thủy điện, thủy lợi không những không giúp dân giảm lũ mà có khi lại bất thần đổ lũ xuống đầu dân. Và nỗi ám ảnh thiên tai của người dân khu vực miền Trung dường như chưa thể dứt. Suốt một dải từ phía nam tỉnh Thanh Hóa đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình Quảng Trị, vào tới Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... hết nắng cháy lại đến mưa sa, lũ lụt. Miền Trung cũng là vùng có số lượng hồ chứa thủy lợi, thủy điện vào loại nhiều nhất cả nước. Hồ chứa thủy lợi xây dựng đã lâu, xuống cấp nghiêm trọng, vận hành kém. Hồ chứa thủy điện nhỏ và vừa không theo quy hoạch, xây dựng tràn lan, chất lượng kém… không những thế, đội ngũ cán bộ quản lý lại yếu kém về kiến thức chuyên môn kỹ thuật; vận hành, điều tiết hồ chứa không đúng quy trình… đang trở thành những hung thần, "nhân tai" nguy hiểm cho đời sống người dân. Mỗi mùa mưa đến, người miền Trung lại oằn mình chống chọi, nơm nớp nỗi lo! Thế nhưng họ có đủ sức, đủ khả năng chống chọi được không, và đến bao giờ, khi mà bên cạnh "thiên tai" thì "nhân tai" vẫn chưa được xử lý, khi thủy điện vẫn mọc ra, rừng vẫn bị tàn phá và người dân vẫn phải sống trong sợ hãi mỗi mùa mưa bão về.

Nữ Quỳnh