Kỷ niệm Ngày truyền thống luật sư Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 13:01, 16/10/2013
Dự và phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Sứ mệnh của luật sư là thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình, góp phần đắc lực để nâng cao tính pháp quyền trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, làm cho tính pháp quyền trở thành yếu tố chi phối mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Lễ kỷ niệm. |
Trong 68 năm qua, tổ chức và hoạt động luật sư ngày càng phát triển và trưởng thành. Đến nay, cả nước đã có trên 8.000 luật sư thuộc 63 đoàn luật sư, đã và đang tham gia tích cực, hiệu quả vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của Nhà nước và các tổ chức kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ công lý, xây dựng nền tư pháp dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân.
Giới luật sư đã có nhiều đóng góp trong xây dựng thể chế, pháp luật, rà soát thủ tục hành chính và nhiều hoạt động thiết thực trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển đảo… Việc tham gia tố tụng của luật sư cũng đã góp phần tích cực triển khai thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại tòa, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp.
Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, luật sư đã tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức trên 100.000 vụ án hình sự, dân sự, kinh tế và lao động, đồng thời trợ giúp pháp lý miễn phí hơn 26.000 vụ việc.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Đội ngũ luật sư đã và đang ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong các hoạt động kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực khác nhau, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đổi mới đất nước, đặc biệt là trong công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Liên đoàn luật sư Việt Nam sau 4 năm thành lập đang trở thành “ngôi nhà chung” của giới luật sư Việt Nam, thu hút, đoàn kết, đào tạo, trau dồi kỹ năng, rèn luyện đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ luật sư để góp phần tích cực vào việc bảo vệ công lý và công bằng.
Thủ tướng cũng phân tích những điều kiện thuận lợi và cả những thách thức đặt ra trong tiến trình đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, đòi hỏi giới luật sư cần phát huy truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm của mình để tiếp tục đóng góp nhiều hơn, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sự phát triển chung của đất nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng đang phát sinh các tranh chấp kinh tế quốc tế và đến nay Việt Nam đang phải đối mặt với 76 vụ kiện phòng vệ thương mại, không ít trường hợp rất bất bình đẳng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Một nhân tố rất quan trọng để hội nhập thành công, đó là phải xây dựng và phát triển đủ số lượng luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư để đáp ứng nhu cầu tư vấn và tham gia tranh tụng các vấn đề liên quan.
Giới luật sư phải nhanh chóng, khẩn trương chuẩn bị thật tốt các kỹ năng, nhất là về luật pháp quốc tế, khả năng ngoại ngữ… để phục vụ cho tiến trình hội nhập của đất nước. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện thành công Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2010-2020; tiếp tục thúc đẩy phát triển các dịch vụ pháp lý nhằm đẩy mạnh, mở rộng phạm vi tư vấn, trợ giúp pháp lý, nhất là đối với các doanh nghiệp và trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.
Thủ tướng nhấn mạnh: Luật sư phải là người bạn đồng hành của doanh nghiệp, hướng dẫn, tư vấn, giúp doanh nghiệp trong việc bảo đảm các yêu cầu pháp lý và bảo vệ quyền, lợi chính đáng của doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư kinh doanh, nhất là đầu tư kinh doanh và trong các quan hệ có yếu tố nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Đội ngũ luật sư phải thường xuyên rèn luyện và nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Hơn ai hết, đội ngũ luật sư phải là những người đi đầu trong việc tuân thủ luật pháp, tuân theo quy tắc đạo đức, ứng xử, độc lập, trung thực, đề cao tinh thần phụng sự công lý trong hoạt động nghề nghiệp theo chuẩn mực, quy định của luật pháp. Không phụ lòng tin của thân chủ của mình có lẽ là một trong những tiêu chí đạo đức cốt lõi nhất của hành nghề luật sư. Theo tôi, để làm được điều đó, người luật sư cần phải có một cái tâm thật sự trong sáng, phải vì thân chủ, vì công lý, công bằng xã hội. Liên đoàn luật sư Việt Nam, các đoàn luật sư, cá nhân các luật sư cần coi việc tuân thủ quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam - như một tiêu chí hàng đầu trong hoạt động hành nghề để nâng cao uy tín, vị thế của nghề luật sư. Một nghề mà xã hội rất quý trọng, tôn vinh”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị giới luật sự tiếp tục tham gia tích cực quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền CHCN. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ sẽ làm hết trách nhiệm của mình, luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Liên đoàn luật sư Việt Nam và giới luật sư phát triển, đóng góp ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp này, Liên đoàn luật sư Việt Nam đã phát động phong trào “Góp đá xây dựng và bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa”, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo không khí đoàn kết, phát suy sức mạnh tổng hợp của liên đoàn luật sư cũng như tôn vinh các luật sư có nhiều đóng góp, công hiến cho đất nước.