20 cuộc thanh tra vẫn phải chờ kết luận cuối cùng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:40, 16/10/2013
Nhiều dấu hiệu sai phạm tại EVN là rõ ràng
Liên quan đến cuộc thanh tra tại EVN, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho rằng: "Dư luận xã hội rất quan tâm đến kết luận của thanh tra tại EVN là bình thường vì điện là mặt hàng thiết yếu, tác động tới đời sống từng người dân".
Kết quả thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam bước đầu đã phát hiện một số sai phạm. Ảnh: Ngọc Hà |
Theo ông Khánh, trong thanh tra bao giờ cũng đánh giá hai mặt: Được và không được. Cụ thể, đối với công tác thanh tra tại EVN, cần ghi nhận rằng đóng góp của EVN rất lớn, nhất là từ giai đoạn bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường. Còn về việc EVN đầu tư xây dựng sân tennis, bể bơi, biệt thự... cần phải nhận diện một cách đầy đủ hơn bởi người ngoài nói các công trình xây dựng này là biệt thự, bể bơi, sân tennis nhưng với EVN thì gọi là khu điều hành mang tính đặc thù của các nhà máy, công trình điện ở những vùng cần phải có như vậy. Theo quan điểm của Thanh tra Chính phủ, xây dựng công trình bể bơi, sân tennis... là phải dùng nguồn vốn phúc lợi. Nếu dùng nguồn khác về mặt nguyên tắc thì được khấu hao dần vào giá điện. Nhưng giá điện bán cho các đối tượng là do Nhà nước quản lý. EVN nói rằng các công trình bể bơi, biệt thự, sân tennis là hạch toán riêng, không liên quan vào giá điện. Tuy nhiên, hiện Thanh tra Chính phủ không kiểm tra chi tiết được khấu hao của các công trình đó như thế nào và sẽ tiếp tục xem xét vấn đề này.
Đối với việc EVN mua sắm xe công vượt mức quy định (chỉ được mua xe tối đa 1 tỷ đồng/ô tô nhưng EVN đã mua 2 xe vượt 3 tỷ đồng), Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, EVN có giải trình là do điều kiện, địa bàn... cần sử dụng xe như vậy. Tuy nhiên, ông Khánh khẳng định: "Đó chỉ là giải trình, còn sai vẫn là sai". Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao cho Bộ Tài chính và Bộ Công thương xử lý. Hiện EVN và Bộ Công thương cũng đã công nhận sai phạm và đề xuất hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh, phần vượt dùng lợi nhuận sau thuế để hạch toán. Hướng xử lý này sẽ báo cáo và chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Thừa nhận về kết luận thanh tra tại EVN mới trình Thủ tướng của Thanh tra Chính phủ đã loại bỏ hàng nghìn tỷ đồng sai phạm so với dự thảo kết luận trình Thủ tướng Chính phủ tháng 12-2012, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh nhấn mạnh: "Trong việc thanh tra tại EVN, việc rà soát lần đầu tiên còn 17 vấn đề, sau đó họp, Vụ Giám sát thẩm định và xử lý sau thanh tra thẩm định lại vẫn còn 5 nội dung khác nhau giữa Vụ Thẩm định với thành viên đoàn thanh tra. Tổng Thanh tra Chính phủ đã triệu tập họp để trao đổi, lật đi lật lại vấn đề. Sau đó Tổng Thanh tra Chính phủ mới kết luận". Ông Khánh cũng khẳng định: "Điều kiện, cơ sở nào để ra con số này, con số khác đó là việc thực thi các quy định pháp luật. Ở thời điểm này chưa có điều kiện để nói cụ thể nên chúng tôi sẽ đề cập rõ hơn sau khi Thủ tướng Chính phủ kết luận".
Có chậm trễ trong việc ban hành kết luận thanh tra tại Agribank
Trước thắc mắc của báo giới về việc chậm trễ trong việc ban hành kết quả thanh tra tại Agribank, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh thừa nhận có sự chậm trễ. Lý giải nguyên nhân, ông Khánh cho biết: "Việc thanh tra đã kết thúc, nhưng quá trình báo cáo chậm vì những vấn đề đề cập trong thanh tra rất phức tạp, có những việc phải chuyển cơ quan điều tra. Chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước hai lần và có những cuộc nghe giải trình của nhiều cấp. Đây là việc liên quan đến hệ thống tài chính ngân hàng nên việc đưa ra kết luận cần hết sức thận trọng, khách quan, tránh những hậu quả khôn lường. Chúng tôi sẽ cố gắng công bố kết luận trong thời gian sớm nhất".
Ông Khánh cũng cho biết thêm: "Hiện Agribank đang thực hiện khắc phục hậu quả một cách quyết liệt. Họ đã tự chấn chỉnh, tự thu nợ và tự xử lý cán bộ một cách đáng ghi nhận".
Quý III-2013, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận 2 cuộc thanh tra: Thanh tra "Vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch đối với Bộ VH,TT&DL" và "Thanh tra thu ngân sách tại khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai"; xây dựng báo cáo và hoàn thiện kết luận 20 cuộc thanh tra; tiếp tục tiến hành 7 cuộc thanh tra. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo xử lý sau thanh tra đối với 4 kết luận thanh tra. Qua 4 kết luận thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế số tiền 354,1 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 3,1 tỷ đồng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền 351 tỷ đồng. Thanh tra các bộ, ngành và địa phương đã tiến hành 690 cuộc thanh tra hành chính, đã kết thúc thanh tra trực tiếp 369 cuộc, tổng hợp kết quả từ các cuộc thanh tra đã kết luận phát hiện vi phạm với số tiền 125 tỷ đồng; 985,4ha đất; kiến nghị thu hồi 56,2 tỷ đồng và 972ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 163 tập thể, 236 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét 7 vụ, 9 đối tượng. |