Bóng đen tài chính đe dọa toàn cầu
Thế giới - Ngày đăng : 06:34, 16/10/2013
Chứng khoán Mỹ tăng trước thông tin lạc quan từ Quốc hội. |
Theo đó, đề xuất sẽ lùi hạn chót nâng giới hạn nợ xuống mức ngày 7-2-2014, tài trợ cho chính phủ đến ngày 15-1 và đề xuất tiến hành hội thảo về ngân sách giữa Thượng và Hạ viện vào ngày 13-12 tới. Nếu được Thượng viện do đảng Dân chủ lãnh đạo thông qua, đề xuất này sẽ chuyển đến Hạ viện đang thuộc quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa.
Trong khi đó Nhà Trắng thông báo cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và giới lãnh đạo Thượng viện đã bị hoãn để hai bên có thêm thời gian tìm kiếm giải pháp nối lại hoạt động của chính phủ và nâng mức trần nợ công. Có thể xem đây là những tín hiệu tích cực mới nhất sau khi các nhà lập pháp và hành pháp liên tiếp thất bại trong các cuộc đàm phán trước đó; đồng thời cho thấy dấu hiệu Quốc hội không muốn đặt Chính phủ Mỹ vào thảm họa vỡ nợ và chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa kéo dài suốt từ ngày 1-10 tới nay.
Phản ứng trước những diễn biến tích cực trên, Tổng thống B.Obama bày tỏ hy vọng tinh thần hợp tác giữa hai bên sẽ mang đến một thỏa thuận trước thời hạn chót vào ngày mai (17-10) - thời điểm nợ công của Mỹ sẽ chạm mức trần 16.700 tỷ USD. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn không quên cảnh báo Chính phủ Mỹ vẫn có nhiều nguy cơ vỡ nợ nếu các nghị sĩ Cộng hòa không vượt lên lợi ích phe phái.
Kịch bản vỡ nợ của xứ Cờ hoa đã thường trực trong những năm gần đây do cuộc đối đầu giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Điều đáng sợ là không ai biết những gì có thể xảy ra trên thực tế khi nước Mỹ vỡ nợ vì việc này chưa có tiền lệ. Theo ước tính, các ngân hàng Mỹ nắm giữ khoảng 1.850 tỷ USD các khoản nợ khác nhau được Chính phủ Mỹ bảo lãnh. Như vậy, nếu Chính phủ vỡ nợ, hậu quả sẽ vô cùng tệ hại. Về lý thuyết, nếu Mỹ không trả lãi suất cho các khoản vay sẽ ngay lập tức tạo ra làn sóng thu hồi vốn của các nhà đầu tư. Thị trường tài chính sẽ chìm nghỉm và nền kinh tế gần như chắc chắn rơi vào một cuộc đại khủng hoảng kéo theo những bất ổn xã hội khó lường.
Hệ lụy đầu tiên được dự báo là thị trường chứng khoán lao dốc, ngân hàng ngừng cho vay sẽ khiến nước Mỹ mất vị thế trên thị trường toàn cầu. Một trong những ảnh hưởng nguy hiểm nữa là làn sóng bán tháo đồng USD sẽ giáng đòn nặng nề vào đồng tiền dự trữ phổ biến nhất toàn cầu. Các nhà phân tích dự đoán, nếu nước Mỹ vỡ nợ, giá cổ phiếu Mỹ có thể sẽ giảm từ 10 đến 20%. Hơn thế, với vai trò là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, việc Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ khiến cả thế giới không tránh khỏi lo lắng. Cuộc khủng hoảng nếu diễn ra ở Mỹ sẽ mang đến nhiều hệ lụy với nền kinh tế thế giới và đẩy nhiều quốc gia vào khó khăn, khủng hoảng. Nói cách khác, cuộc khủng hoảng xung quanh vấn đề ngân sách chính phủ và trần nợ công tại Mỹ đang là bóng đen tài chính lớn nhất bao trùm lên nền kinh tế thế giới.
Thế nên, thông tin cuộc chiến ngân sách và nợ công của Mỹ sẽ được giải quyết trước thời hạn chót là một tín hiệu lạc quan không chỉ với người dân Mỹ. Kỳ vọng này đã khiến cổ phiếu tăng điểm trên hầu hết các sàn giao dịch toàn cầu. Sáng ngày 15-10 theo giờ Tokyo, USD giao dịch ở 1,3556 USD/EUR sau khi giảm 0,3% trong hai ngày qua. Tỷ giá USD ít thay đổi so với đồng yên, giao dịch ở 98,54 yên/USD. USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khi thị trường lạc quan trước động thái Thượng viện Mỹ tiến gần tới thỏa thuận nâng trần nợ để tránh nguy cơ chính phủ vỡ nợ vào ngày 17-10 tới. Chỉ số MSCI Châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,5% lên 141,57 điểm, mức cao nhất 5 tháng trở lại đây. Tín hiệu lạc quan từ Mỹ cũng tác động tới phiên giao dịch dầu ngày 14-10, khi giá dầu thô nhẹ giao trong tháng 11 tăng 39 cent, lên mức 102,41 USD/thùng...
Không nâng trần nợ và nước Mỹ vỡ nợ là sự kiện sẽ gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Tầm ảnh hưởng lớn đến nỗi hầu hết mọi người đều tin rằng, Quốc hội Mỹ sẽ không để xứ Cờ hoa vỡ nợ trước ngày 17-10. Hy vọng những tín hiệu lạc quan sẽ mở đường cho những thỏa thuận triển vọng trong 24 giờ tới giúp nền kinh tế số một thế giới thoát khỏi cơn đổ vỡ đã cận kề.