Minh bạch !

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 16/10/2013

(HNM) - Sáng 15-10, tại cuộc họp báo do Thanh tra Chính phủ tổ chức, điều dư luận quan tâm nhất là một kết luận thanh tra "giấy trắng mực đen" về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).



Chuyện đó cũng là dễ hiểu bởi vì EVN hiện đang được giao "độc quyền" quản lý việc sản xuất, kinh doanh và hạch toán một mặt hàng đặc biệt, có tác động quan trọng tới đời sống xã hội. Tuy nhiên, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết, hiện kết luận này đang chờ ý kiến chính thức của Thủ tướng Chính phủ nên chưa thể công bố cụ thể, chi tiết.

Gần đây nhất, đúng hai tháng rưỡi, ngày 1-8-2013, giá điện bình quân được điều chỉnh lên mức 1.508,85 đồng/kWh, tăng 71,85 đồng/kWh (tương đương 5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng. Và cũng như những lần điều chỉnh giá điện trước đây, lúc đó lãnh đạo EVN đăng đàn giải thích với dư luận rằng, việc tăng giá là cần thiết để bù đắp một phần chi phí tăng thêm cũng như để EVN cải thiện tình hình tài chính nhằm huy động một lượng vốn đầu tư phát triển ngành từ bây giờ đến năm 2020. Không phải người dân, doanh nghiệp cũng như dư luận xã hội không sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với EVN nhưng điều dư luận đòi hỏi là sự công khai, minh bạch các chi phí dẫn đến việc bắt buộc phải tăng giá. Đó là điều EVN chưa làm được trong lần tăng giá điện vừa rồi cũng như những lần trước đó.

Trở lại với cuộc họp báo do Thanh tra Chính phủ tổ chức, nhiều câu hỏi đã được đặt ra xung quanh việc EVN "thanh minh" về một số nội dung trong những ngày vừa qua. Nho nhỏ như chuyện mua sắm, sử dụng xe công chẳng hạn. Theo quy định, EVN chỉ được mua ô tô giá tối đa là 1,04 tỷ đồng/chiếc nhưng "nhà đèn" đã mua 2 xe Toyota Land Cruiser với giá hơn 2,5 tỷ đồng mỗi chiếc, vượt mức được phép khoảng 3 tỷ đồng. Noi theo "gương" ấy, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cũng tậu 6 chiếc Toyota Camry 2.4G cho hoạt động kinh doanh, vượt giá quy định 2,2 tỷ đồng. Về chuyện này, EVN cho rằng, với công việc chuyên môn của mình cần phải đi lại ở những địa bàn phức tạp (chẳng hạn như vùng sâu, vùng xa, đồi núi, đèo dốc…) nên phải sử dụng xe đặc thù. Nếu đúng là như vậy thì cũng cần phải báo cáo, xin phép để có "cơ chế đặc thù", khác với các quy định rất cụ thể đang điều chỉnh hoạt động của các tập đoàn kinh tế chứ?

Cũng còn nhiều chuyện khác lớn hơn việc mua sắm phương tiện đi lại của EVN và các đơn vị thành viên. Chẳng hạn như các khoản tiền đầu tư xây chung cư, biệt thự, sân tennis, bể bơi, nhà trẻ… ở nhiều nhà máy nhiệt điện với giá trị hàng trăm tỷ đồng được đưa vào hạch toán khoản mục "khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa" nghe cũng không ổn lắm. Không lẽ đó cũng là chi phí trong giá điện mà người dân và doanh nghiệp phải gánh? Dù EVN cho rằng, việc xây nhà ở, công trình thể thao cho cán bộ, nhân viên tập đoàn là cần thiết và được hạch toán ngoài giá điện. Vậy thì có nguồn nào để "cõng" hàng trăm tỷ đồng ấy trong khi EVN luôn lỗ trong kinh doanh và phải tăng giá điện để bù đắp?

Rồi còn việc có hay không chuyện đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp vi phạm quy định của Bộ Tài chính khi vượt vốn điều lệ hàng chục nghìn tỷ đồng? Có hay không việc đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm? Chuyển nguồn vốn không đúng tại một số dự án làm tăng chi phí sản xuất điện?...

Tóm lại là còn quá nhiều câu hỏi cần có sự trả lời, giải thích thỏa đáng. Có như vậy mới rõ ràng trách nhiệm thuộc về ai?

Dù nhiều việc, nhiều vấn đề của EVN thuộc trách nhiệm của những người lãnh đạo tiền nhiệm, nhưng những người lãnh đạo hiện nay với trách nhiệm của mình phải thừa kế và giải quyết dứt điểm, không thể để kéo dài. Đó cũng là một sự minh bạch.

Những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn do Nhà nước quản lý có một vị trí rất quan trọng. Do đó những đơn vị này cần phải thực sự mạnh để trở thành đầu tàu, mũi nhọn. Muốn như vậy trước hết phải minh bạch trong quản lý và trách nhiệm. EVN không là ngoại lệ.

Hoàng Thu Vân