Lãng phí từ chính quy trình làm luật?

Đời sống - Ngày đăng : 06:36, 15/10/2013

(HNM) - Lãng phí được coi là



Đặc biệt, việc tinh giản cán bộ được triển khai nhiều năm nay, nhưng lượng cán bộ, công chức (CBCC) vào biên chế vẫn tăng, gây gánh nặng cho ngân sách. Trong khi đó, đến nay chưa có chế tài giải quyết triệt để.

Thiếu chỉ tiêu định lượng lãng phí

Đánh giá về Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội trong kỳ họp thứ sáu, diễn ra vào cuối tháng 10 này, đa số các chuyên gia pháp luật cho rằng, Ban soạn thảo đã làm rõ nguyên tắc, chống lãng phí là trọng tâm trên cơ sở thực hành tiết kiệm. Dự thảo luật cũng điều chỉnh, bổ sung các quy định để khuyến khích tổ chức, cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin lãng phí là điểm đúng "huyệt" yếu kém cần khắc phục. Ngoài ra, việc đề ra các hành vi lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước; mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và thiết bị làm việc; quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng và xây dựng chế tài giải quyết kèm theo vừa mang ý nghĩa răn đe, vừa bảo đảm có công cụ rõ ràng để xử lý. Tuy nhiên, điểm mấu chốt mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống lãng phí là tiêu chuẩn, định mức chống lãng phí được coi là thước đo mức độ lãng phí lại chưa được đề cập.

Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội Bùi Văn Định phản ánh, họp hành chính là yếu tố gây lãng phí, nhất là về nhân lực phục vụ. Dẫu vậy, không thấy Ban soạn thảo quy định các bộ, ngành, địa phương tổ chức họp trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh các rủi ro khi di chuyển cho các đại biểu. Trong khi đó, nếu áp dụng thường xuyên họp trực tuyến còn tận dụng và khai thác có hiệu quả hạ tầng công nghệ thông tin, có thể lưu lại diễn biến, hình ảnh và nội dung các cuộc họp khi cần thiết.

Liên quan tới lãng phí nguồn nhân lực, ông Bùi Văn Định cũng cho hay, việc tinh giản biên chế không phải là chuyện mới mẻ mà đã tiến hành từ nhiều năm. Tuy vậy, có một nghịch lý là chưa thực sự giảm được người cần giảm mà chỉ là tạo điều kiện cho người có nhu cầu ra khỏi bộ máy vì nguyện vọng cá nhân. Biên chế ngày càng "phình" với mức độ tăng thêm khoảng 13%, kéo theo gánh nặng ngân sách trong chi trả lương, thưởng. Do đó, việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần có quy định giám sát chặt chẽ việc giao chỉ tiêu biên chế cả về cơ cấu và chuyên môn cán bộ cho các địa phương, bộ, ngành.

Lãng phí từ chính quy trình làm luật?

Ở một góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Hoài Nam - Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định, cũng cần nhìn thẳng vào thực tế, lãng phí đang len lỏi vào chính quy trình làm luật hiện hành. Có tình trạng, để bảo đảm kỷ cương hành chính trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành, song không thể thực hiện vì ngành chức năng không ra văn bản hướng dẫn. Tình trạng, luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư tái diễn với mức độ trầm trọng. Đơn cử, tính đến hết kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua 46 luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, trong số 35 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, đến nay mới ban hành được 76/228 văn bản quy định chi tiết, còn 152/228 văn bản chưa được ban hành. Đối với 11 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực, trong đó có những nội dung có hiệu lực từ 1-10-2013 thì mới có 1/45 văn bản với 3/88 nội dung đã được quy định chi tiết. Chưa kể cũng có đạo luật rất hay, nhiều quy định ban hành ra rồi để đó hoặc dùng được rất ít như Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá… vì thiếu tính thực tiễn. Đây đều là lãng phí nghiêm trọng cả về kinh phí triển khai và nhân lực thực hiện. Quốc hội họp kỳ nào cũng đề cập nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải thì khó có thể thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.

Đặc biệt, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản và quy hoạch đất đai còn quản lý chồng chéo, lỏng lẻo. Thế nhưng, nếu căn cứ vào dự thảo luật, khi cơ quan chức năng xem xét, mổ xẻ trách nhiệm của các cá nhân liên quan khó có thể chỉ ra người có khuyết điểm, chịu trách nhiệm. Nguyên nhân do không có tiêu chuẩn, định lượng về lãng phí để làm cơ sở đánh giá cán bộ. Vì vậy, cần luật hóa với những chế định cụ thể. Ngoài ra, cần phải thu hẹp phạm vi điều chỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với khu vực ngoài nhà nước. Cụ thể, chỉ nên điều chỉnh trong phạm vi tiêu dùng ở khu vực này. Những quy định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân là không cần thiết vì bản chất của hoạt động sản xuất, kinh doanh là đã tiết kiệm chi phí nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Hà Phong