Tiếp tục phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chính trị - Ngày đăng : 06:12, 15/10/2013
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều đại biểu cho rằng, việc thành lập Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VIII chuyên về kiểm toán hoạt động theo chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 xuất phát từ yêu cầu bảo đảm thực hiện tốt chức năng kiểm toán đã được xác lập trong Luật Kiểm toán nhà nước, đồng thời khắc phục hạn chế trong tổ chức kiểm toán hoạt động thời gian qua do các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và Kiểm toán Nhà nước khu vực không có đủ năng lực để thực hiện. Tuy nhiên, việc triển khai phải có lộ trình, tránh trùng lắp nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị khác. Về việc sửa đổi, bổ sung nguồn kinh phí để thực hiện chế độ ưu tiên đối với CBCC Kiểm toán Nhà nước, đa số ý kiến tán thành với phương án điều chỉnh mức trích từ 2% lên khoảng 4 đến 5% số tiền do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị thông qua hoạt động kiểm toán để tiếp tục thực hiện chế độ ưu tiên hiện nay đối với Kiểm toán Nhà nước.
Tiếp đó, UBTVQH đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ sáu, QH khóa XIII. Dự kiến thời gian từ khi khai mạc đến bế mạc kỳ họp là 41 ngày, từ ngày 21-10 đến 30-11-2013, trong đó thời gian làm việc chính thức của QH là 35 ngày. Theo đề nghị của Bộ TT-TT, sẽ tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" nhân dịp khai mạc kỳ họp thứ sáu tại khu vực hành lang hội trường Bộ Quốc phòng. Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là kỳ họp quan trọng, quyết định nhiều vấn đề lớn của đất nước. Nổi bật là thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015)... Do vậy, các cơ quan xây dựng luật và đơn vị phối hợp thẩm tra cần có sự phối hợp chặt chẽ, làm việc khoa học hợp lý để bảo đảm tiến độ của chương trình kỳ họp.
Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về quy hoạch tổng thể về thủy điện; việc điều chỉnh Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Đối với quy hoạch tổng thể thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, với hơn 3.450 hệ thống sông, suối lớn nhỏ, tiềm năng thủy điện nước ta về lý thuyết khá lớn với tổng công suất khoảng 35.000MW và điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm. Tuy nhiên, nếu tính toán về mức độ khả thi thì chỉ có thể khai thác được khoảng 26.000MW (khoảng 100 tỷ kWh/năm). Đây là tài nguyên quý giá của quốc gia, là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác hợp lý. Để bảo đảm an toàn cho cộng đồng, cần loại bỏ 424 dự án thủy điện, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án có nguy cơ không đạt yêu cầu bảo vệ môi trường. Liên quan đến việc điều chỉnh Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, cơ quan thẩm tra Dự thảo Nghị quyết là Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của QH sau khi xem xét toàn diện tình hình thực tế cho rằng, những nội dung cần chỉnh lý không lớn. Do đó, không cần thiết phải sửa đổi Nghị quyết 38 mà chỉ cần có Nghị quyết điều chỉnh tiến độ và phân kỳ đầu tư theo hướng: Đến năm 2020 hoàn thành việc đầu tư nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô hai làn; ưu tiên đầu tư bằng vốn trái phiếu chính phủ để hoàn thành đoạn tuyến qua Tây Nguyên (quốc lộ 14) vào năm 2015; giao Chính phủ xem xét, quyết định một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động các nguồn lực triển khai dự án theo tiến độ yêu cầu, đặc biệt là cơ chế về huy động vốn và giải phóng mặt bằng.