“Thời khắc nguy hiểm” của Mỹ

Thế giới - Ngày đăng : 06:26, 14/10/2013

(HNM) - Trong bối cảnh tình trạng đóng cửa công sở liên bang đã bước sang ngày thứ 13 và chỉ còn 4 ngày nữa, nước Mỹ sẽ chạm trần nợ, các cuộc thương lượng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa nhằm chấm dứt tình trạng trên vẫn tiếp tục đổ vỡ.

Người dân Mỹ biểu tình trên Đồi Capitol tại thủ đô Washington, yêu cầu chấm dứt tình trạng đóng cửa Chính phủ liên bang.



Cuộc bỏ phiếu ngày 12-10 của Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát với tỷ lệ 53-45 không đạt đủ 60 phiếu ủng hộ để thông qua đề xuất hoãn nâng trần nợ đến năm 2015 của phe Dân chủ.

Như vậy, cuộc chiến ngân sách Mỹ lại trở về vạch xuất phát sau khi vừa le lói một tia hy vọng. Trước đó, đã có những tín hiệu lạc quan hơn khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện công bố kế hoạch có thể giúp nước Mỹ tránh được kịch bản vỡ nợ và chấm dứt tình trạng đóng cửa Chính phủ kéo dài hơn chục ngày qua. Theo bản đề xuất, hạn chót để nâng trần nợ sẽ được kéo dài thêm 6 tuần nữa (tức đến tháng 12) và không cần các điều kiện đi kèm. Thực tế, nếu dự luật được thông qua, vấn đề trần nợ sẽ được hoãn lại đến ngày 31-1-2014. Bộ Tài chính Mỹ cũng có thể sử dụng những biện pháp đặc biệt để tránh vỡ nợ kỹ thuật và Mỹ sẽ không phải nâng trần nợ cho tới năm 2015. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị Tổng thống Barack Obama bác bỏ ngay sau đó. Người đứng đầu Nhà Trắng nhận định việc kéo dài trần vay nợ thêm 1 hay 2 tháng không phải là một hành động khôn ngoan bởi sẽ đẩy thời điểm hết hạn vay nợ vào đúng mùa mua sắm lễ hội của người Mỹ. Diễn biến mới nhất này một lần nữa đẩy những nỗ lực giải quyết bế tắc về ngân sách vào ngõ cụt. Chính phủ Mỹ sẽ không thể đi vay nếu như Quốc hội nước này không kịp hành động trước hạn chót ngày 17-10. Sau ngày này, nền kinh tế số 1 thế giới sẽ chỉ còn 30 tỷ USD và một ít doanh thu thuế. Theo tính toán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, xứ Cờ hoa sẽ vỡ nợ trong khoảng thời gian từ 22 đến 31-10.

Trước tình hình bế tắc tại Mỹ, nhiều chuyên gia tài chính và các chính trị gia đã lên tiếng bày tỏ lo ngại. Trong thông báo sau cuộc họp thường niên với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington cuối tuần qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định nước Mỹ cần hành động khẩn cấp để giải quyết những bất ổn tài khóa ngắn hạn. Theo Tổng Giám đốc IMF, nếu không gia hạn được trần nợ trước thời hạn chót ngày 17-10, không chỉ có nước Mỹ phải gánh chịu những thiệt hại kinh tế mà kéo theo đó là một hậu quả cực kỳ tồi tệ với toàn cầu. Trong khi đó, mối lo của các chủ nợ lớn nhất đòi Mỹ sớm giải quyết vấn đề bế tắc ngân sách vẫn chưa giảm bớt. Hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, đồng thời cũng là hai chủ nợ lớn nhất của Mỹ (Trung Quốc và Nhật Bản) vừa cùng lên tiếng bày tỏ lo ngại về nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ và ảnh hưởng tới các khoản đầu tư khổng lồ của hai nước này vào thị trường trái phiếu Mỹ. Đến thời điểm này, họ vẫn chưa thể biết "số phận" hàng nghìn tỷ USD cho vay sẽ như thế nào.

Cùng với sức ép từ bên ngoài, Chính phủ Mỹ nói chung và đảng Cộng hòa nói riêng còn phải đối mặt áp lực ngày càng tăng từ cử tri trong nước phản đối việc hai đảng bất đồng dẫn đến bế tắc trong đàm phán về ngân sách và trần nợ. Tỷ lệ tín nhiệm của người dân nước này đối với chính quyền của Tổng thống B.Obama đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 40 năm qua với chỉ 18% người dân Mỹ tuyên bố hài lòng. Trong khi đó, theo kết quả thăm dò chung của NBC News/Wall Street Journal, có tới 60% những người Mỹ được hỏi cho biết nếu được phép họ sẽ thay thế toàn bộ lưỡng viện Quốc hội khóa 113 hiện nay. Tỷ lệ phản đối đảng Cộng hòa đang ở mức cao nhất kể từ năm 1989 khi có tới 70% người được hỏi ý kiến nói rằng đảng Cộng hòa đang đặt lợi ích cục bộ của họ lên trên cả lợi ích quốc gia.

Dù một số nhà phân tích tin rằng, khả năng Mỹ bị vỡ nợ rất khó xảy ra, bởi vì cả Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đều không muốn nền kinh tế lớn nhất thế giới bị rơi vào thảm họa với những hệ lụy kinh hoàng. Nhưng hiện tại, diễn biến cuộc "so găng" giữa hai đảng trong Quốc hội Mỹ vẫn rất căng thẳng và cả hai vẫn tỏ ra không nhượng bộ trên bàn đàm phán. Điều đó đang đẩy nước Mỹ tiến gần hơn tới “thời khắc nguy hiểm”.

Thùy Dương